Xuất khẩu ớt tăng 10,1% về lượng và 36,5% về kim ngạch

Xuất nhập khẩu
11:12 AM 12/06/2024

5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 6.511 tấn ớt và thu về hơn 16 triệu USD, tăng 10,1% về lượng và tăng mạnh 36,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, Việt Nam xuất khẩu được 1.435 tấn ớt trong tháng 5 với kim ngạch đạt 3,3 triệu USD, giảm 25,8% so với tháng trước. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu ớt lớn nhất của Việt Nam trong tháng đạt 1.273 tấn, chiếm 88,7%.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, nước ta xuất khẩu 6.511 tấn ớt và thu về hơn 16 triệu USD, tăng 10,1% về lượng và tăng mạnh 36,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc giữ vững vị trí thị trường xuất khẩu lớn nhất với 5.791 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Lào giữ vị trí thứ 2 với 461 tấn, tăng 15,8% so với 5T/2023.

Theo các chuyên gia ớt Việt Nam có độ cay cao và đa dạng về chủng loại. Một số loại ớt xuất khẩu phải kể đến như: Ớt chỉ thiên, ớt hiểm, ớt sừng vàng, ớt ngọt, ớt chỉ địa.

Xuất khẩu ớt tăng 10,1% về lượng và 36,5% về kim ngạch- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong năm 2023, xuất khẩu ớt Việt Nam đạt kim ngạch 20 triệu USD, tương ứng với 10.173 tấn, tăng mạnh 107% so với năm 2022.

Trên thế giới, châu Á - Thái Bình Dương chiếm lĩnh thị trường với Ấn Độ là nước sản xuất và xuất khẩu ớt khô hàng đầu thế giới, chiếm hơn 6.11% vào năm 2021, tiếp theo là Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia. Ấn Độ cũng là nhà sản xuất và tiêu thụ ớt hàng đầu thế giới với khoảng 36% sản lượng toàn cầu, xuất khẩu khoảng 30% tổng sản lượng.

Thông thường, ở Việt Nam, ớt sẽ được xuống giống cây vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Cây ớt sau 2 tháng trồng bắt đầu cho thu hoạch từ 3 đến 4 đợt trong khoảng 3 tháng, chất lượng quả cao nhất với trọng lượng lý tưởng có thể lên đến 4 kg mỗi cây. 

Đồng bằng sông Cửu Long được coi là 'thủ phủ' ớt tại Việt Nam. Tại đây, ớt được trồng nhiều nhất tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh với tổng diện tích trên 7.000 ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn một năm. Trong khi đó, tại Tây Nguyên, diện tích trồng đạt khoảng 4.000-5.000 ha với sản lượng khoảng 60.000 tấn một năm.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn