Xuất khẩu quế có mức tăng đột biến tại Ấn Độ

Xuất nhập khẩu
08:46 AM 10/05/2024

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được trên 22.300 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 65,2 triệu USD. Trong đó, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu quế lớn nhất của Việt Nam với kết quả 6.132 tấn, chiếm 27,4%.

Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong tháng 4/2024 Việt Nam xuất khẩu được 6.386 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 19 triệu USD, tăng 16,2% về lượng so với tháng trước.

Các thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam bao gồm: Ấn Độ đạt 1.815 tấn, tăng 62,1%; Hoa Kỳ đạt 942 tấn, tăng 2,3%; Bangladesh đạt 848 tấn, tăng 32,1%; Iran đạt 217 tấn, tăng 267,8% và UAE đạt 212 tấn, tăng 133% so với tháng 3.

Những doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu có thể kể đến như: Prosi Thăng Long đạt 840 tấn, Olam Việt Nam đạt 500 tấn, Tuấn Minh đạt 471 tấn, Gia vị Sơn Hà đạt 408 tấn và Senspices Việt Nam đạt 189 tấn.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu được 22.352 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 65,2 triệu USD. Trong đó, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu quế lớn nhất của Việt Nam đạt 6.132 tấn. Quế Việt Nam được thị trường Ấn Độ yêu thích do hàm lượng tinh dầu cao, hương vị đặc trưng, mức giá cạnh tranh do có thuế bằng 0%.

Tiếp đến là Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 đạt 3.137 tấn và Bangladesh đứng thứ 3 đạt 2.042 tấn.

Xuất khẩu quế có mức tăng đột biến tại Ấn Độ- Ảnh 1.

Việt Nam xuất khẩu được 6.386 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 19 triệu USD trong tháng 4/2024. Ảnh: Internet

Theo báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ 3 trên toàn thế giới, chiếm 17% thị phần quế trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu quế năm 2022 đạt khoảng 300 triệu USD.

Với diện tích khoảng 180.000 ha, trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương.

Mặc dù vậy, trước đó, chia sẻ tại hội thảo “Phát triển bền vững ngành quế Việt Nam” ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho rằng tiềm năng lợi thế của ngành quế chưa phát huy tương xứng. Nguyên nhân do tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị chưa có, kỹ thuật trồng, chăm sóc, sơ chế, bảo quản vẫn còn yếu.

Bên cạnh đó, vẫn thiếu các sản phẩm quế chất lượng cao. Ngoài ra, bên cạnh các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, nhưng muốn vào thị trường EU, chất lượng quế phải cao và đáp ứng quy định không gây mất rừng do Ủy ban châu Âu (EC). Đây là điều người dân phải chú ý trong tổ chức sản xuất cây quế.

Đưa ra định hướng phát triển ngành quế, ông Triệu Văn Lực cũng cho rằng, cần xác định quỹ đất, quy mô vùng trồng; Hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế đặc thù cho quế; Nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất giống cây Quế; Phát triển vùng nguyên liệu; Tổ chức sản xuất, phát triển cơ sở sơ chế, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn