Xuất khẩu rau củ quả tăng tốc, hướng mục tiêu đạt 4 tỷ USD

Xuất nhập khẩu
10:12 AM 08/03/2023

Ngành rau củ quả nhận được nhiều tín hiệu vui khi xuất khẩu tăng trưởng mạnh và có nhiều cơ hội bứt phá, dự kiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau củ năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt 4 tỷ USD.

Trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2 tháng đầu năm giảm trên 22%, ngành hàng rau quả lại đang trở thành điểm sáng khi kim ngạch xuất khẩu tăng trên 17% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 592 triệu USD. Đây được coi là một trong số ít mặt hàng nông sản chính tăng trưởng khi hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác sụt giảm.

Sau 5 năm mở rộng thị trường, hiện doanh nghiệp coi thị trường Trung Quốc là thị trường trọng điểm. Với cơ cấu sản phẩm khá đa dạng, mặc dù có sự sụt giảm ở các thị trường khác, nhưng thị trường Trung Quốc vẫn tăng trưởng hàng chục %.

Xuất khẩu rau củ quả tăng tốc, hướng mục tiêu đạt 4 tỷ USD - Ảnh 1.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, việc Trung Quốc bỏ chính sách Zero COVID-19 đã giúp xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này lấy lại đà tăng trưởng. Hàng hóa không chỉ sẽ xuất khẩu được nhiều hơn, thông quan nhanh hơn, chất lượng sản phẩm sẽ đảm bảo hơn nên hiệu quả đem lại chắc chắn cao hơn năm 2022.

 "Chúng ta đã ký được một số nghị định quan trọng như nghị định xuất khẩu sầu riêng chính thức, xuất khẩu chuối, đúng vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng rau quả của Trung Quốc tăng mạnh", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho hay.

Tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa càng nhộn nhịp hơn sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão.

Hàng hóa xuất khẩu nhộn nhịp ngay cả với các trái cây mới, lần đầu tiên được tiếp cận các thị trường ngay sau khi được mở cửa. Điển hình như sản phẩm cam của các tổ hợp tác ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã được doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu lần đầu tiên sang Anh. Hay nhãn tươi của Long An lần đầu tiên tiến quân vào thị trường Nhật Bản, mở ra cơ hội tăng trưởng cho trái cây Việt trong năm 2023.

Trung Quốc hiện là thị trường chính chiếm đến 57% tổng kim ngạch, tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng trên, Bộ Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu.

"Cần hết sức linh hoạt, nhạy bén trong việc nghiên cứu thông tin về thị trường, nhu cầu của thị trường để xem thị trường cần sản phẩm chất lượng như thế nào, mẫu mã ra sao thì tính toán điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của thị trường", Phó Giám đốc, Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, nhận định.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự kiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau củ năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt 4 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2022 và phần tăng thêm này hoàn toàn khả thi nếu xuất khẩu sầu riêng đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD.

“Năm 2023, Việt Nam có thể xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc rất nhiều khả năng có thể đem về được 1 tỷ USD. Thêm 3 tỷ USD các mặt hàng khác như năm ngoái là 4 tỷ USD”, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết.

Sầu riêng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh khi vào thị trường hơn 1,4 tỉ dân nhờ khoảng cách vận chuyển gần, chỉ mất 1,5 ngày so với thời gian 7-10 ngày của sầu riêng Thái Lan. Chất lượng trái sầu riêng Việt Nam vì thế cũng được bảo quản tốt, tươi ngon. Các lợi thế này giúp giá bán sầu riêng của Việt Nam hiện cũng tốt hơn so với hàng Thái Lan.

Thương Huyền (t/h)
Ý kiến của bạn