Xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục hơn 5 tỷ USD
Theo số liệu từ Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, 11 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, đơn vị đã tính toán sơ bộ kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu rau quả tháng 11.
Theo đó, tháng 11/2023 kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt sơ bộ hơn 375 triệu USD, giảm 38,4% so với tháng 10 (hơn 608 triệu USD), nhưng tăng 22,5% so với tháng 11 năm ngoái (hơn 306 triệu USD). Tổng kim ngạch 11 tháng ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cùng kỳ 2022.
Theo đó, sầu riêng là quả đóng góp vào sức tăng trưởng lớn nhất cho nhóm này với tỷ lệ chiếm 40% kim ngạch. Tiếp đến là mít, dưa hấu, bưởi, nhãn đều có mức tăng trưởng 50-200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt 5,2 tỷ USD - nhóm rau quả lần đầu dẫn đầu ngành nông nghiệp, vượt các nhóm chủ lực như gạo, hạt điều, cà phê, sắn...
Hiện Trung Quốc là quốc gia nhập nhiều rau quả Việt Nam nhất với tổng kim ngạch 10 tháng đạt 3,2 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 66% thị phần.
Tiếp theo là xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt trên 212 triệu USD, giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm ngoái; Hàn Quốc đạt 187 triệu USD, tăng 25%; Nhật Bản là 151 triệu USD, tăng 7%...
Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho biết, trong lịch sử ngành rau quả, chưa năm nào có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 5 tỷ USD. Nhưng chưa hết tháng 11 đã đạt con số hơn 5 tỷ USD, đây cũng là mục tiêu đặt ra cho ngành rau quả vào năm 2025. Như vậy, ngành rau quả đã cán đích sớm 2 năm về mục tiêu kim ngạch xuất khẩu.
Về nguyên nhân đạt kim ngạch xuất khẩu ấn tượng nêu trên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, có nhiều yếu tố quan trọng. Đó là, trình độ sản xuất, trồng trọt, chế biến của người dân, doanh nghiệp được nâng cao; người dân, doanh nghiệp tăng cường áp dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chế biến, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap…
Nguyên nhân quan trọng khác là Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Cùng với đó là các cơ quan chức năng đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường, thúc đẩy các giải pháp tạo thuận lợi thương mại…
Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các mặt hàng rau quả Việt ngày càng rộng cửa xuất khẩu. Nhà chức trách đang đàm phán mở cửa thị trường chanh leo sang Mỹ, Australia; bưởi sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ; sầu riêng sang Ấn Độ; các loại quả có múi, dừa, sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.
Các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, cho biết cuối năm tiêu thụ rau quả sẽ tiếp tục tăng cao khi Trung Quốc vào mùa lễ hội. Nước này cũng đang tăng mua nhiều loại trái cây mới từ Việt Nam như vú sữa tím, mít ruột đỏ. Dự kiến hết năm 2023, xuất khẩu rau quả Việt Nam sẽ dễ dàng cán đích 5,5 tỷ USD.
Huyền My (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.