Xuất khẩu rau quả rộng cửa tại các thị trường lớn
Ngày càng có nhiều trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch ra các thị trường quốc tế. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả sẽ còn tiếp tục tăng nhờ vào việc các sản phẩm, thị trường xuất khẩu đang ngày càng mở rộng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 8/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một trong những tháng ngành hàng rau quả có giá trị xuất khẩu cao nhất năm. Lũy kế 8 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 4,58 tỷ USD.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Việt Nam có khoảng 1,1 triệu ha diện tích trồng các loại trái cây tiềm năng, đặc biệt là các loại trái cây nhiệt đới, trong đó thanh long, xoài, vải, nhãn, sầu riêng, chôm chôm... là những loại đang đem lại giá trị cao.
Về sản lượng, mỗi năm Việt Nam sản xuất được 12-14 triệu tấn trái cây. Trái cây Việt Nam đã hiện diện tại các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, châu Âu... và ngày càng được ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng.
Hiện tại, nông sản Việt Nam hiện đã có mặt ở hơn 180 thị trường với 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang được thực thi và 3 FTA đang ký kết.
Nhiều thị trường "khó tính" có yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, trong đó có Mỹ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nỗ lực trong việc phối hợp với các bộ, ngành khác cũng như chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đàm phán, xử lý các rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường.
Hiện, chanh leo sẽ là loại trái cây tươi thứ 9 được xuất khẩu sang thị trường Mỹ cùng với thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi và dừa. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã khởi động quy trình xem xét đối với một số trái cây mới của Việt Nam như: Chanh không hạt, ổi, mít.
Các thị trường nhập khẩu tại các quốc gia có phân khúc trung bình như ASEAN và các phân khúc thị trường cao cấp như Hàn Quốc, EU có nhu cầu đối với sản phẩm nông sản Việt Nam rất cao.
Bên cạnh việc mở cửa thị trường, để nông sản nói chung và trái cây nói riêng tận dụng hết tiềm năng, lợi thế tại các thị trường này, đòi hỏi chuẩn hóa vùng nguyên liệu về cả chất lượng, ổn định về số lượng.
Các hiệp hội ngành hàng nông sản nên tổ chức giới thiệu sản phẩm của ngành mình cho người tiêu dùng tại các nước mà hàng Việt Nam xuất khẩu tới, nhằm tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông sản mang thương hiệu Việt Nam. Có thương hiệu, hàng nông sản của nước ta mới có thể tham gia bền vững vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại hai thị trường hàng đầu của xuất khẩu nông sản Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ đều đang có nhiều tín hiệu tích cực, hứa hẹn sẽ gia tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong những tháng cuối năm và các năm tới. Với đà tăng trưởng như hiện nay, rau quả Việt Nam có thể sẽ vươn tới kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 7 tỷ USD trong năm nay.
Minh An (t/h)Tối ngày 22/11, Giải thưởng quốc tế danh giá Kotler Awards 2024 đã diễn ra tại TP. HCM, tôn vinh 27 các Nhà tiếp thị kinh doanh, Chuyên gia Marketing, Nhà quản trị chiến lược và Doanh nghiệp xuất sắc với những thành tựu vượt trội, đóng góp cho sự phát triển bền vững và nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam.