Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh

Xuất nhập khẩu
08:26 AM 22/03/2025

Sản lượng rau quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc sụt giảm đáng kể trong 2 tháng đầu năm nay, do nước này siết kiểm tra lượng bảo vệ thực vật có trong sầu riêng.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đạt hơn 687 triệu USD, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số 30 thị trường nhập khẩu chính, Trung Quốc ghi nhận mức giảm mạnh nhất, chỉ đạt 306 triệu USD, giảm 39% và là mức giảm sâu nhất từ trước đến nay.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm mạnh- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặc biệt, lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc từ đầu năm chỉ đạt khoảng 3.500 tấn, giảm tới 80% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó trong 2 tháng đầu năm 2024, sản lượng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này là 32.750 tấn. Điều này tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả Việt Nam bởi đây là mặt hàng và thị trường chủ lực.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân sụt giảm xuất khẩu toàn ngành hàng rau quả nói chung đến từ việc gián đoạn logistics và chi phí vận chuyển tăng cao, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu khó hoàn thành đơn hàng đúng thời hạn. 

Đối với sầu riêng, nguyên nhân chính khiến giá trị xuất khẩu sầu riêng giảm mạnh là Trung Quốc kiểm tra nghiêm ngặt tồn dư chất Basic Yellow 2 hay còn gọi là vàng O (BY2) - một loại hóa chất bị cấm sử dụng trong thực phẩm vì có nguy cơ gây ung thư. Điều này khiến hàng trăm container sầu riêng "tắc đường" tại cửa khẩu hồi đầu năm. 

Không chỉ thị trường Trung Quốc, kể từ ngày 8/1, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) cũng phải đối mặt với việc tăng tần suất kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ 10% lên 20%; áp dụng tần suất kiểm tra tại biên giới đối với thanh long từ 30%; áp dụng tần suất kiểm tra đều là 50% với đậu bắp và ớt, đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm.

Để khôi phục xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang siết chặt kiểm soát chất lượng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng chủ động giám sát, cảnh báo và xử lý nghiêm các vi phạm nhằm nâng cao uy tín nông sản Việt Nam.

Ngoài ra, các cuộc đàm phán đang được cơ quan quản lý tiến hành để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ và đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành xuất khẩu rau quả.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Báo chí nâng tầm thương hiệu du lịch Việt từ truyền thông xanh Báo chí nâng tầm thương hiệu du lịch Việt từ truyền thông xanh

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và nhu cầu du lịch gắn với bảo vệ môi trường ngày càng gia tăng, du lịch xanh không còn là khái niệm mới mà đã trở thành xu thế tất yếu của ngành công nghiệp không khói. Với lợi thế tài nguyên và văn hóa, việc phát triển du lịch xanh giúp Việt Nam có cơ hội khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới, trong đó, báo chí truyền thông đóng vai trò quảng bá điểm đến, “cầu nối nhận thức” và lan tỏa giá trị xanh đến cộng đồng.