Xuất khẩu rau quả sụt giảm 3 tháng liên tiếp

Xuất nhập khẩu
03:48 PM 22/03/2025

Ước tính trong tháng 3 xuất khẩu rau quả đạt 421 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm.

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), ước tính trong tháng 3 xuất khẩu rau quả đạt 421 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm; trái ngược hoàn toàn so với năm 2024, ngành này bứt tốc ngay từ đầu năm và kéo dài suốt 12 tháng. 

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu rau quả mới đạt 1,1 tỷ USD giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả trong tháng 3/2025 đạt 172 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế ba tháng đầu năm, nhập khẩu rau quả đạt 578 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2024.

Xuất khẩu rau quả sụt giảm 3 tháng liên tiếp- Ảnh 1.

Xuất khẩu rau quả Việt Nam giảm mạnh do sầu riêng gặp khó. Nguồn: Internet

Nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm xuất khẩu là do sầu riêng - mặt hàng chủ lực của ngành - đang gặp khó khăn trong xuất khẩu, cả ở dạng tươi và đông lạnh. Từ đầu năm 2025, Trung Quốc yêu cầu tất cả các lô hàng sầu riêng nhập khẩu phải có kết quả phân tích dư lượng Cadimi và chất vàng O tại các phòng thí nghiệm được nước này công nhận. Quy định này không chỉ áp dụng với Việt Nam mà với tất cả các nước xuất khẩu, khiến quy trình xuất khẩu trở nên phức tạp, kéo dài thời gian thông quan.

"Điều này hoàn toàn trái ngược so với năm 2024, khi rau quả bứt tốc ngay từ đầu năm và kéo dài suốt 12 tháng. Nếu xu hướng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu rau quả của cả năm 2025, thậm chí đứng trước nguy cơ sụt giảm so với 2024 vì chúng ta đang bước vào giai đoạn quan trọng là vụ thu hoạch sầu riêng ở các tỉnh miền Tây", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) nhận định.

Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt 3,4 tỷ USD, chiếm gần 50% kim ngạch toàn ngành rau quả (hơn 7,15 tỷ USD). Nếu giải quyết tốt vấn đề kiểm định chất lượng, xuất khẩu rau quả Việt Nam có thể đạt 8 tỷ USD trong năm 2025.

Đưa ra giải pháp cho những doanh nghiệp xuất khẩu, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam lưu ý, doanh nghiệp nên tập trung đầu tư vào khâu sản xuất, chế biến và bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Tổng thư ký VINAFRUIT nhấn mạnh, Trung Quốc là thị trường rau quả rất tiềm năng và VN có lợi thế lớn nhưng thời gian qua, chúng ta đã quá tập trung vào thị trường này và chưa tìm kiếm cơ hội ở những thị trường khác. Trong khi đó, VN đang có tới 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), có những thị trường rất tiềm năng như Mỹ. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế sẽ là "chìa khóa" để nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính như: châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.

Đồng quan điểm, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và môi trường) cho rằng, các DN nên tận dụng những thị trường Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do để hưởng ưu đãi thuế quan, tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt Nam. Đồng thời, DN nên mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: thị trường thực phẩm Halal của các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi... nhằm đa dạng hóa sản phẩm, thị trường góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch. 

Để khôi phục xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang siết chặt kiểm soát chất lượng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng chủ động giám sát, cảnh báo và xử lý nghiêm các vi phạm nhằm nâng cao uy tín nông sản Việt Nam.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn