Xuất khẩu rau quả xác lập kỷ lục

Xuất nhập khẩu
10:02 AM 23/09/2023

Đến giữa tháng 9 năm nay, xuất khẩu rau quả đã đem về 3,84 tỷ USD, lập kỷ lục lịch sử khi vượt qua con số 3,81 tỷ USD của năm 2018.

Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ trong nửa đầu tháng 9, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã thu về 293,4 triệu USD, tăng đột biến 187% so với nửa đầu tháng 9/2022.

Lũy kế đến ngày 15/9, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,84 tỷ USD, tăng mạnh 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, xuất khẩu rau quả năm nay chính thức lập kỷ lục lịch sử khi vượt qua mốc 3,81 tỷ USD của năm 2018.

Ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hết tháng 9 năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 4,1 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu rau quả xác lập kỷ lục - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Kết quả trên sẽ vượt kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả năm 2022 là 3,34 tỷ USD. Kết quả này cũng sẽ vượt con số kỷ lục xuất khẩu của ngành rau quả năm 2018 là 3,81 tỷ USD.

Trong số các nhóm rau quả, sầu riêng, chuối, thanh long đóng góp lớn vào tăng trưởng. Với sầu riêng, từ vị trí thứ 4 trong nhóm các loại quả, vươn lên dẫn đầu về xuất khẩu, vượt chuối và thanh long để gia nhập nhóm trái cây tỷ USD. Sầu riêng cũng được dự báo sớm cán đích kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỷ USD trong tháng tới.

Trung Quốc hiện là quốc gia nhập nhiều rau quả Việt Nam nhất với tổng kim ngạch 8 tháng đạt 2,3 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 64% thị phần. Sự bùng nổ đơn hàng từ thị trường hơn 1,4 tỷ dân này giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta lập kỷ lục, dù hơn 3 tháng nữa mới kết thúc năm.

Trong top 10 thị trường lớn nhất của ngành rau quả, ngoài Trung Quốc, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất tăng trưởng dương; Mỹ, Thái Lan, Australia giảm nhập khẩu.

Trong đó, xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt trên 168 triệu USD, giảm hơn 6% so với cùng kỳ năm 2022; Hàn Quốc đạt 148 triệu USD, tăng 18%; Nhật Bản là 123 triệu USD, tăng 6%...

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - ông Đặng Phúc Nguyên, cho biết nguyên nhân giúp xuất khẩu rau quả khả quan nhờ các quốc gia tăng mua. Trong đó, Trung Quốc tạo nhiều thuận lợi cho nông sản Việt vào thị trường nước này. Năm 2022, nước này ký hàng loạt nghị định thư với Việt Nam, tạo bước đệm cho hoạt động xuất khẩu rau củ quả của nước ta đạt nhiều thuận lợi. Nhờ đó, giá nông sản tăng cao so với cùng kỳ đẩy giá trị kim ngạch tăng đột biến.

Riêng với sầu riêng, xuất khẩu đang tăng gần 20 lần so với cùng kỳ. Sầu riêng Việt Nam thu hoạch kéo dài và nhiều thời điểm trái vụ với các quốc gia khác như Thái Lan, Philippines nên được ưa chuộng và xuất với giá cao. Không chỉ vậy, chuối và mít của Việt Nam cũng được Trung Quốc tăng mua và trả giá cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang xem xét cho dừa tươi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch. Nếu được thông qua trong thời gian tới, xuất khẩu dừa sẽ có nhiều bứt phá. Mới đây, Mỹ cũng vừa cho Việt Nam xuất khẩu trái dừa tươi (loại gọt vỏ xanh và một phần xơ trắng).

Với đà xuất khẩu khẩu rau quả như hiện nay, ông Đặng Phúc Nguyên dự báo, xuất khẩu rau quả cả năm 2023 có thể mang về hơn 5,5 tỷ USD khi vẫn còn 3 tháng cuối năm.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Hướng đến tương lai đô thị thông minh Hướng đến tương lai đô thị thông minh

Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.