Xuất khẩu sắn mang về gần 700 triệu USD
Tính đến giữa tháng 7 năm nay, nước ta đã xuất khẩu gần 1,5 triệu tấn sắn, giá trị xuất khẩu đạt gần 684 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến ngày 15/7, nước ta đã xuất khẩu gần 1,5 triệu tấn sắn, giảm nhẹ so với con số 1,59 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng giá trị xuất khẩu đạt gần 684 triệu USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 6 đã thu về hơn 68 triệu USD với sản lượng đạt 141.228 tấn, tăng mạnh 19,2% về lượng và tăng 31,7% về trị giá so với tháng 5/2024.
Lũy kế trong nửa đầu năm, sản lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đã thu về hơn 630 triệu USD, tương đương hơn 1,3 triệu tấn, tuy giảm 7,7% về lượng nhưng tăng 6,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng giống như cà phê và hạt tiêu, điểm sáng của xuất khẩu sắn trong nửa đầu năm là giá tăng mạnh. Giá sắn và sản phẩm sắn xuất khẩu bình quân đạt 454 USD/tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.
Xét về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc tiếp tục là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tỷ trọng lên tới 90,3% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành hàng.
Cụ thể trong 6 tháng đầu năm, thị trường này đã nhập khẩu hơn 1,26 triệu tấn sắn từ Việt Nam với kim ngạch đạt 569 triệu USD, giảm 6% về lượng tuy nhiên tăng 9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân đạt 451 USD/tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu sắn lớn thứ 2 của Việt Nam với 35.849 tấn, trị giá gần 10,1 triệu USD, giảm 54% về lượng và giảm 62% về kim ngạch. Giá xuất khẩu giảm 18% so với cùng kỳ năm trước, đạt 306 USD/tấn.
Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ 3 với 27.697 tấn, tương đương hơn 15 triệu USD, tăng 4% về lượng và tăng 15% về trị giá. Giá xuất khẩu cũng ghi nhận tăng 11%, đạt 553 USD/tấn.
Ngoài ra, nước ta còn xuất sang các thị trường khác như Malaysia, Myanmar, Nhật Bản,...
Các thương nhân ngành sắn Việt Nam đang kỳ vọng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sẽ khởi sắc từ tháng 7.
Để phát triển bền vững ngành hàng sắn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn, trong đó sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính...) chiếm khoảng 85%. Diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40 - 50%. Diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2 tỷ USD.
Tầm nhìn đến năm 2050, ngành hàng sắn của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70 - 80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính...) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD.
Về sản xuất, đến năm 2030, diện tích trồng sắn cả nước khoảng 480 - 510 nghìn ha, sản lượng củ tươi đạt 11,5 - 12,5 triệu tấn, định hướng phân bố tại 5 vùng trọng điểm gồm: Trung du miền núi phía Bắc; Bắc Trung Bộ; Duyên hải Nam Trung Bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ.
An Mai (t/h)Đại hội Sales và Marketing toàn quốc VSMCamp và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing CSMOSummit năm 2024 đã khép lại sau hai ngày tổ chức với gần 50 bài tham luận và phiên tham luận lớn nhỏ. Sự kiện tiếp tục ghi dấu một mùa thành công khi đã thu hút gần 1000 lượt người tham dự, cùng hàng trăm tin tức được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.