Xuất khẩu sắn Việt Nam tháng 5 tăng trưởng ấn tượng

Xuất nhập khẩu
08:44 AM 24/06/2025

Tháng 5 đánh dấu mức xuất khẩu sắn ấn tượng, với mức xuất khẩu sang Trung Quốc tăng tới 341% về lượng.

Theo số liệu từ Cục Hải quan, trong tháng 5/2025, Việt Nam đã xuất khẩu 387.300 tấn sắn và sản phẩm từ sắn, trị giá 116,2 triệu USD, đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp sản lượng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu sắn Việt Nam tháng 5 tăng trưởng ấn tượng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn đạt gần 2 triệu tấn, thu về 601,8 triệu USD, tăng 59,7% về lượng và 7% về trị giá so với cùng kỳ 2024. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân chỉ đạt 302,5 USD/tấn, giảm tới 33%, phản ánh áp lực giảm giá trên thị trường thế giới.

Với kết quả trên, Việt Nam là nhà cung cấp sắn lớn thứ 2 thế giới. Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam, nhập 1,89 triệu tấn sắn và sản phẩm từ sắn trị giá 561,85 triệu USD trong 5 tháng, tăng 66,5% về lượng và 10,5% về trị giá. Riêng tháng 5, lượng mua từ Trung Quốc tăng 341%, kim ngạch tăng 181%, nâng thị phần lên 95,2%, so với 91% cùng kỳ năm trước. 

Các thị trường tiếp theo là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), nhưng chiếm tỷ trọng rất nhỏ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện cả nước có trên 40 tỉnh, thành trồng sắn, tập trung ở 5 vùng trọng điểm chính gồm Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ với diện tích 520.000-550.000ha, năng suất đạt 19-20 tấn/ha, sản lượng đạt trên 10 triệu tấn củ tươi. 

Cả nước có khoảng trên 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 9,3 triệu tấn/năm.

Để trợ lực ngành sắn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phê duyệt đề án phát triển bền vững ngành sắn đến 2030 với mục tiêu sản lượng đạt 11,5 - 12,5 triệu tấn, 40-50% diện tích sử dụng giống chuẩn, 50% canh tác bền vững, và kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD. 

Tầm nhìn đến năm 2050, ngành hàng sắn của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70 - 80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính...) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD.

Ngành sắn còn nhiều tiềm năng nhưng cần nâng cao chất lượng nguyên liệu và đa dạng hóa thị trường để phát triển bền vững. Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến tuần hoàn trong ngành hàng sắn, tận dụng mọi phụ phẩm trong chế biến sắn để tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Xây dựng 5 nhóm chính sách đặc thù, đột phá để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo Hà Nội: Xây dựng 5 nhóm chính sách đặc thù, đột phá để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo

Hà Nội đang gấp rút xây dựng Nghị quyết quy định chi tiết một số chính sách đặc thù nhằm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là bước cụ thể hóa các định hướng quan trọng từ Luật Thủ đô (sửa đổi năm 2024), Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo mới được Quốc hội thông qua.