Xuất khẩu sắt thép quý I/2021 thu về 1,826 tỷ USD

Đầu tư và Tiếp thị
05:15 PM 05/04/2021

Sắt thép là ngành sản xuất có độ phục hồi mạnh nhất trong quý I/2021 với lượng xuất khẩu bật tăng rất mạnh, lên tới 65,2% về trị giá (tương đương 720 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,826 tỷ USD.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, chỉ riêng tháng 3 năm 2021, sản lượng sắt thép thô ước đạt 2.142,5 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ; thép cán ước đạt 707.000 tấn, tăng 47,9% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc ước đạt 723.000 tấn, giảm 4,6% so với cùng kỳ. Tính chung 3 tháng đầu năm 2021, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán tăng lần lượt là 14,4%; 54% so với cùng kỳ năm trước; riêng thép thanh, thép góc giảm 1,6%. 

Đặc biệt trong quý I/2021, xuất khẩu sắt thép tăng trưởng ấn tượng 65,2% về trị giá so với cùng kỳ, đạt 1,826 tỷ USD. Trong đó có các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Tôn Hoa Sen, Nam Kim... đã xuất khẩu những lô hàng lớn đi các thị trường Mỹ, EU... Đơn cử, Tập đoàn Hòa Phát đã ký hợp đồng xuất khẩu lô hơn 2.000 tấn cáp thép dự ứng lực (PC Strand) cho đối tác Mỹ, giao hàng trong tháng 3/2021. Hòa Phát cũng là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam sản xuất được mặt hàng thép đặc chủng này. Trước đó, Tập đoàn này xuất một lô hàng hơn 12.000 tấn chủ yếu là các sản phẩm tôn mạ lạnh sang châu Mỹ.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cũng mở hàng năm 2021 bằng những lô hàng tôn mạ có giá trị lớn xuất khẩu đi Mỹ, Mexico, châu Âu, Đông Nam Á… Sản lượng xuất khẩu của Tập đoàn hiện đã vượt mốc 100.000 tấn/tháng. Có thể nói, xuất khẩu sắt thép đã kế thừa mức tăng trưởng từ năm 2020. Trong khi nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn tuột mất cả tỷ USD vì dịch bệnh làm tổng cầu sụt giảm, thì sắt thép có mức tăng trên 1 tỷ USD.

Xuất khẩu sắt thép quý I/2021 tăng trưởng ấn tượng 65,2%  - Ảnh 1.

Xuất khẩu sắt thép quý I/2021 tăng trưởng ấn tượng 65,2% về trị giá so với cùng kỳ

Trong năm 2021, ngành thép Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng sản xuất 4-6%. Mặc dù trước đó, 6 tháng đầu năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép giảm lần lượt là 10% và 11%, nhưng cả năm 2020 đã đạt được kết quả khả quan với mức tăng trưởng lần lượt là 2,7% và 1,4% so với cả năm 2019. 

Với sự phục hồi rõ rệt của ngành thép, nhiều ý kiến cho rằng ngành thép sẽ có triển vọng tích cực trong năm 2021 khi có làn sóng đầu tư mạnh mẽ trở lại. "Ngành thép năm 2021 dự kiến có sự tăng trưởng tốt nhờ hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công cũng như thị trường bất động sản nhà ở có thể nóng trở lại. Ðiều này sẽ có tác động tích cực giúp ngành thép đạt mức tăng trưởng cao trong năm nay", Bộ Công Thương nhận định.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển ngành thép trong bối cảnh thị trường ngày càng yêu cầu khắt khe, cạnh tranh gay gắt về giá, chất lượng, đòi hỏi trong thời gian tới, các DN ngành thép phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất, công nghệ, nâng cao trình độ, kỹ năng người lao động, môi trường làm việc, thị trường,... 


Bên cạnh đó, phải giải quyết triệt để tình trạng mất cân đối cung - cầu trong nước, tạo vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tránh vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại không đáng có. Từ đó, sẽ góp phần nhanh chóng giúp xây dựng ngành thép phát triển đồng bộ, hiện đại, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để các DN mở rộng thị phần trong nước và xuất khẩu.

Th.Huyền (TH)
Ý kiến của bạn