Xuất khẩu sầu riêng chính ngạch: Nhận diện khó khăn, thách thức
Xuất khẩu sầu riêng đang có những tín hiệu tích cực từ nhiều thị trường, nhưng làm sao để tận dụng được tiềm năng thế mạnh trong nước cũng như đáp ứng được nhu cầu của từng thị trường là điều mà các doanh nghiệp, HTX quan tâm hiện nay.
Nhiều khó khăn, thách thức
Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa chính thức ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, và có hiệu lực từ ngày 11/7. Theo đó, sầu riêng của Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch qua tất cả cửa khẩu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây.
Song, việc xuất khẩu sầu riêng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để được lâu dài, bền vững.
Việc chuẩn hóa vùng trồng là điều kiện đầu tiên nếu như muốn khẩu sầu riêng. Và để chuẩn hóa vùng trồng, không chỉ đơn thuần là việc không được trồng xen sầu riêng trong vườn tạp, mà ngay từ nguồn giống cũng cần chú trọng thì mới có thể cạnh tranh được trên thị trường.
Theo các chuyên gia, hiện nay nếu Việt Nam mới có một giống Ri6 được thị trường các nước nhập khẩu chấp nhận thì Thái Lan, Malaysia có rất nhiều loại giống khác nhau, đáp ứng đầy đủ nhu cầu, phân khúc khách hàng.
Ví dụ, Thái Lan có nhiều giống sầu riêng nổi tiếng như Mon Thong, Chanee-Gibbon, Kanyao-Long stem với các giá bán khác nhau. Hồi tháng 6, Thái Lan đã cho ra thị trường giống sầu Pakchong-Khao với đặc điểm không mùi.
Tại phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam được tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Thành Huy, Phụ trách thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cho biết, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, chất lượng nông sản phải đặt lên hàng đầu. Muốn bảo đảm chất lượng thì nguồn giống phải chất lượng, độc quyền. Điều này giúp Thái Lan đa dạng được thị trường xuất khẩu và khẳng định vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng.
Bà Ngô Tường Vi, Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu nhấn mạnh, với diện tích mà Việt Nam đang phát triển hiện nay, điều đầu tiên cần quan tâm đến là nguồn giống để có thể cạnh tranh với các nước.
Hiện nay, giống sầu riêng ở Việt Nam không chỉ chưa đa dạng mà còn chủ yếu là mượn giống từ các nước khác. Còn Thái Lan, Malaysia tích cực đầu tư cho nghiên cứu giống mới hàng năm và mỗi giống lại đáp đáp ứng được từng thị trường, từng phân khúc xuất khẩu. Điều này cũng được các doanh nghiệp nhập khẩu rất quan tâm. Vì khi phân cấp được trái sầu riêng theo từng thị trường, thì doanh nghiệp, HTX dễ định hình và tìm kiếm được thị trường mục tiêu.
Theo các chuyên gia, sầu riêng đông lạnh cả quả, đông lạnh nguyên múi, hoặc đông lạnh múi tách hạt đang là mặt hàng được người tiêu dùng ở nhiều thị trường trên thế giới ưa chuộng. Và nếu bán trong các siêu thị, nhà hàng, khách sạn bằng quả tươi, mùi nồng của loại nông sản này ảnh hưởng đến khách hàng, nên cấp đông sẽ giải quyết được nhược điểm và thuận tiện cho việc bảo quản, vận chuyển.
Hiện nay, khoa học công nghệ tiên tiến, việc cấp đông bằng nitơ đã phổ biến, mùi vị sầu riêng từ phương pháp cấp đông này được các nhà nhập khẩu đánh giá là gần giống với mùi vị sầu riêng tươi.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, nguồn cung nitơ trước mắt có thể chưa khó khăn đối với Việt Nam nhưng nếu sau này xuất khẩu nhiều, nhu cầu thị trường lớn thì các doanh nghiệp, HTX sẽ đứng trước khó khăn về thiếu nguồn cung nitơ.
Thực tế, Malaysia cũng đang gặp khó khăn trong tìm nguồn cung nitơ và buộc phải tìm cách chế biến sầu riêng thay vì cấp đông. Điều này khiến doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí đầu tư và ảnh hưởng đến nguồn thu, vì sầu riêng chế biến hiện có giá bán thấp hơn so với cấp đông nguyên trái, cấp đông nguyên múi.
Không chỉ chú trọng đến nguồn cung nitơ để đông lạnh, để xuất khẩu lâu dài sang các thị trường bắt buộc sầu riêng phải hướng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật, kiểm dịch COVID-19. Nếu không tuân thủ theo hướng trồng trọt an toàn thì khi xuất khẩu, HTX, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro, nhất là khi tới cảng của các nước xuất khẩu.
"Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau"
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải thông tin cho biết, thị trường Trung Quốc bây giờ đã thay đổi rất nhiều và cuộc chơi chính ngạch đòi hỏi các DN Việt Nam phải hiểu rõ để làm tốt, làm đúng quy định, xây dựng chất lượng ổn định mới có thể tồn tại ở thị trường này.
Đề cập về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải thông tin, Bộ đã và đang tổ chức các hội nghị, hội thảo để tuyên truyền về những thay đổi về chính sách của thị trường Trung Quốc đến DN, hiệp hội kịp thời và đầy đủ.
Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh việc hỗ trợ từ các bộ, ngành, doanh nghiệp bắt buộc phải thích ứng với thay đổi của thị trường và nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch, sầu riêng phải hướng theo phương pháp Global GAP, tuân thủ quy định của thị trường về dư lượng hóa chất tồn dư và các quy định kiểm dịch thực vật khác.
Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều đơn vị cho rằng việc ngày càng có nhiều cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính là động lực để nâng tầm giá trị cho sản phẩm này. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng cần phải học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan, người nông dân Thái Lan đã có những bước phát triển hơn so với Việt Nam. Đặc biệt là đi vào chế biến sâu với trình độ cao hơn.
Trong Thư ngỏ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhân sự kiện sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác. Phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hoá quy trình sản xuất. Phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc. Phải có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng".
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trái sầu riêng hay bất kỳ một loại nông sản nào khác muốn đưa đi xa, tạo thị trường bền vững, thì phải "đi cùng nhau". Nông dân "đi cùng nhau" trong một hình thức hợp tác. Doanh nghiệp "đi cùng nhau" trong một hiệp hội ngành hàng. Các địa phương có vùng trồng cũng cần "đi cùng nhau" trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng, trong từng sự kiện giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư.
An Mai (t/h)Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.