Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc có thể đạt 300 triệu USD

Xuất nhập khẩu
08:40 AM 20/09/2024

Mặc dù Nghị định thư về xuất khẩu mặt hàng sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc vừa được ký kết vào ngày 19/8/2024 nhưng dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam ngay trong năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD nếu sớm hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp để bắt đầu xuất khẩu.

Chia sẻ thông tin tại Hội nghị phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc sáng 19/9, ông Nguyễn Quang Hiếu, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật, cho biết Trung Quốc là hiện thị trường tiềm năng số 1 về xuất khẩu sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam. 

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc có thể đạt 300 triệu USD - Ảnh 1.

Xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc có thể đạt 300 triệu USD. Ảnh: Hải Quan Online

Từ tháng 8/2024, Trung Quốc chính thức mở cửa thị trường cho sầu riêng Việt Nam, thông qua việc ký nghị định thư cho phép phân khúc sầu riêng đông lạnh được nhập khẩu vào quốc gia này. Đây là cơ hội "vàng" đối với trái sầu riêng, qua đó, ngành hàng sẽ được nâng cao giá trị, tránh được rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất khẩu sản phẩm tươi", ông Hiếu phân tích.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, với Nghị định thư vừa ký kết, năng lực hiện tại và nhu cầu của thị trường Trung Quốc, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD nếu sớm hoàn thành được đăng ký doanh nghiệp có thể sớm xuất khẩu.

Sầu riêng đông lạnh có nhiều lợi thế trong quá trình xuất khẩu. Cụ thể, trong khi sầu riêng tươi chỉ có 30% là cơm, 70% là hạt, vỏ phải loại bỏ, gây ô nhiễm môi trường, thì sầu riêng đông lạnh có thời gian bảo quản dài, có thể sử dụng luôn hoặc dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm khác. Do đó, để phù hợp hơn với nhu cầu, người tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ sớm chuyển sang sản phẩm đông lạnh. Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu 1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh. Dự kiến Trung Quốc sẽ tăng lượng nhập khẩu sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh.

Tuy tiềm năng xuất khẩu lớn nhưng theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, sầu riêng cấp đông Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và cần phải được nhận diện và chuẩn bị ứng phó. Đặc biệt là vấn đề đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trung Quốc có quy định rất rõ ràng và chặt chẽ nhằm đảm bảo các sản phẩm nhập khẩu an toàn cho người tiêu dùng trong nước. Vì vậy, doanh nghiệp cần nộp đầy đủ hồ sơ, đáp ứng đủ các tiêu chí để xuất khẩu thực phẩm sang thị trường 1,4 tỷ dân thuận lợi hơn.

Một trong những điều khác biệt của sầu riêng đông lạnh, đó là việc mặt hàng này được coi như “thực phẩm” nên phải tuân thủ Lệnh 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp của nước ngoài khi xuất khẩu hàng nông sản làm thực phẩm vào thị trường này (Lệnh 248).

Nguyên liệu của sầu riêng đông lạnh xuất khẩu phải có nguồn gốc từ các vườn sầu riêng được đăng ký, quản lý và giám sát. Các cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản sầu riêng đông lạnh xuất khẩu phải đảm được đăng ký với hải quan Trung Quốc.

Vật liệu đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu phải sạch, vệ sinh, chưa qua sử dụng, tuân thủ các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật. Trên mỗi hộp phải dán nhãn bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh gồm tên sản phẩm; xuất xứ; tên và mã số đăng ký của cơ sở sản xuất hoặc chế biến; tên và địa chỉ của nhà xuất khẩu; ngày sản xuất; thời hạn sử dụng và dòng chữ "This product is being exported to the People's Republic of China", ông Nguyễn Quang Hiếu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo thông tin đưa ra tại hội thảo, những năm gần đây, Trung Quốc đã nghiên cứu trồng thành công sầu riêng thương mại, với diện tích và sản lượng ngày càng tăng. Diện tích trồng sầu riêng hiện nay ở Hải Nam là gần 2.700 ha, chủ yếu tập trung ở các địa phương phía Nam hòn đảo này như Tam Á, Bảo Bình, Lạc Đông và Lăng Thủy. Ước tính diện tích cây sầu riêng cho thu hoạch năm nay khoảng 270 ha, cho sản lượng từ 150 - 200 tấn. Mùa thu hoạch sầu riêng của Hải Nam kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8, cao điểm là vào tháng 7 hàng năm.

Theo nhận định của các chuyên gia, diện tích cũng như năng suất sầu riêng Trung Quốc còn hạn chế và vẫn chưa ảnh hưởng đáng kể tới xuất khẩu sầu riêng của các nước, trong đó có Việt Nam vào thị trường nước này. song, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, Việt Nam cũng cần phải có chiến lược phát triển bền vững mặt hàng tỷ USD này để nâng cao hơn nữa chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo thương hiệu để xuất khẩu bền vững sang Trung Quốc.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 40 lần Cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng hơn 40 lần

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023.