Xuất khẩu thép Việt Nam sang EU gặp khó

Xuất nhập khẩu
08:44 AM 02/08/2024

Mặc dù hoạt động xuất khẩu thép sang thị trường EU tăng trưởng trong nửa đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, lượng thép các loại của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU trong tháng 6 giảm 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên hơn 210.000 tấn. Giá bán trung bình trong tháng 6 tăng 6% so với tháng 5 đạt hơn 710 USD/tấn nhưng giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu thép Việt Nam sang EU gặp khó- Ảnh 1.

Tính chung nửa đầu năm, lượng thép Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đạt 1,6 triệu tấn tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán trung bình trong nửa đầu năm nay thấp hơn khoảng 12% trong bối cảnh thị trường thép thế giới cũng gặp khó khăn, giá thép thế giới ghi nhận xu hướng giảm.

Giá thép xây dựng giao dịch trên sàn London trung bình trong tháng 6 đạt khoảng 570 USD/tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thép HRC trung bình trong tháng 6 ở mức khoảng 680 USD/tấn, giảm 7% so với cùng kỳ. Nếu so sánh với hồi đầu năm, giá thép HRC trên sàn London thậm chí ghi nhận mức giảm 16%.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thị phần thép của Việt Nam đứng thứ 7, đã tăng 13 bậc so với năm 2020, thời điểm Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực. 

Mặc dù hoạt động xuất khẩu thép sang thị trường EU tăng trưởng trong nửa đầu năm nay nhưng nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại.

Mới đây, Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phát thông tin cảnh báo sớm về việc đơn vị đã nhận được thông tin về việc Ủy ban Châu Âu (EC) đã nhận được Hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam.

Cục Phòng vệ thương mại cho hay, nếu EC khởi xướng điều tra, các bên liên quan sẽ nhận được tài liệu gồm đơn yêu cầu, quyết định khởi xướng và bản câu hỏi điều tra. Phía EC yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết về các nhà xuất khẩu thép trước ngày 5/8, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị yêu cầu điều tra theo dõi vụ việc và có phương án ứng phó phù hợp.

Điều đáng nói, sự việc xảy ra trong bối cảnh, sản phẩm thép HRC sản xuất trong nước cũng đang phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu nước ngoài nghi bán phá giá trên thị trường Việt Nam. Bởi lẽ, mới đây, Bộ Công Thương đã quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Động thái điều tra của EC trong thời gian tới có khả năng tác động rất lớn đến ngành thép của nước ta bởi trong các thị trường xuất khẩu thép chính của Việt Nam, EU vẫn luôn giữ vị trí đứng đầu. 

Cục Phòng vệ Thương mại khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị yêu cầu điều tra theo dõi vụ việc và có phương án ứng phó phù hợp.


Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.