Xuất khẩu thịt trâu của Ấn Độ thấp nhất 9 năm do Việt Nam giảm mua
Xuất khẩu thịt trâu của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần một thập kỷ do nhu cầu từ Việt Nam giảm và những quy định hạn chế của Ấn Độ trong việc buôn bán và giết mổ gia súc.
Ấn Độ là nước xuất khẩu thịt trâu (carabeef, còn gọi là trâu nước, hoặc bò Ấn Độ) lớn trên thế giới. Kim ngạch và khối lượng xuất khẩu thịt trâu của nước này đã giảm xuống mức thấp hơn so với năm 2012/13.
Cụ thể, xuất khẩu thịt trâu của Ấn Độ năm 2020/21 đạt trị giá 3,17 tỷ USD, so với 3,2 tỷ USD của năm 2021/13, theo dữ liệu của Bộ Thương mại nước này.
Xuất khẩu thịt trâu Ấn Độ đã đạt đỉnh cao vào năm 2014/15, khi khối lượng đạt 4,78 tỷ USD, chiếm 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, thị phần thịt trâu trong tổng xuất khẩu của Ấn Độ hiện chỉ còn trên 1% - tỷ lệ này đã duy trì trong suốt 3 năm qua.
Việt Nam là điểm đến hàng đầu của thịt trâu Ấn Độ trong nhiều năm và giúp nước này trở thành nhà xuất khẩu thịt trâu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cũng chính việc Việt Nam giảm nhập khẩu đang khiến Ấn Độ mất dần vị trí này.
Mấy năm trước, khi nhu cầu từ Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á, Tây Á và Châu Phi tăng lên, xuất khẩu thịt trâu của Ấn Độ đã liên tiếp tăng ở mức hai con số và đạt đỉnh 1,47 triệu tấn trong năm 2014/15, gấp hơn 2 lần so với năm 2010/11.
Tuy nhiên, kể từ đó xuất khẩu sụt giảm do những cuộc biểu tình trong nước để bảo vệ gia súc diễn ra ngày càng gay gắt. Sau khi giảm xuống 1,31 triệu tấn trong năm 2015/16, xuất khẩu thịt trâu Ấn Độ gần như không thay đổi trong 2 năm tiếp theo, nhưng bắt đầu giảm tiếp trong giai đoạn 2018/19 do nhập khẩu vào Việt Nam bắt đầu sụt giảm.
Năm 2017/18, thị phần của Việt Nam trong tổng khối lượng thịt trâu xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, khi đạt tới 55%, so với chỉ 18% của năm trước đó; kim ngạch cũng tăng lên 57%, từ mức 29% trong khoảng thời gian này.
Hiện tại, Việt Nam chỉ còn chiếm khoảng 11% về khối lượng và 13% về giá trị thịt trâu xuất khẩu của Ấn Độ, theo số liệu do Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Nông sản và Thực phẩm Chế biến Ấn Độ công bố.
Mặc dù vậy, sự sụt giảm xuất khẩu sang Việt Nam được bù đắp bởi sự gia tăng xuất khẩu sang các thị trường khác, do đó đã giúp cho khối lượng và giá trị xuất khẩu không sụt giảm quá mạnh trong năm 2020/21.
Thị phần của Việt Nam trong tổng xuất khẩu thịt trâu của Ấn Độ
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính thị phần của Ấn Độ trong xuất khẩu thịt trâu/bò thế giới tính theo khối lượng giảm từ 21% trong năm 2014 xuống 12% vào năm 2020.
Sự trỗi dậy của Ấn Độ trên thị trường xuất khẩu thịt trâu/bò toàn cầu xuất hiện từ năm 2010, khi thế giới bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính năm 2008 và nhu cầu đối với loại thịt tương đối rẻ tăng lên. Năm đó, khối lượng thịt trâu xuất khẩu từ Ấn Độ đã tăng 51% lên 917.000 tấn, theo số liệu của USDA.
Sau đó, Ấn Độ đã vượt qua Australia – nước xuất khẩu thịt trâu/bò lớn thứ 2 thế giới – và 2 vượt xa New Zealand – nước xuất khẩu lớn thứ 4, vì xuất khẩu từ 2 quốc gia ở Nam Bán cầu này năm đó hầu như không thay đổi.
Năm 2012, Ấn Độ đã soán ngôi Australia để trở thành nhà xuất khẩu thịt trâu/bò lớn thứ hai thế giới, và hai năm sau đó đánh bật Brazil để chiếm vị trí nước xuất khẩu số 1.
Xuất khẩu thịt trâu của Ấn Độ
Mấy năm tiếp theo, các nhà chức trách Ấn Độ đã áp đặt những hạn chế đối với việc vận chuyển đại gia súc. Số lần những người biểu tình phản đối việc giết mổ trâu bò cũng tăng lên. Đúng lúc đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng có sự điều chỉnh, xuất khẩu thịt trâu/bò trên thế giới năm 2015 và 2016 chậm lại. Tuy nhiên, Ấn Độ tiếp tục là nước xuất khẩu thịt trâu hàng đầu thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu thịt trâu của Ấn Độ thậm chí còn vượt cả xuất khẩu gạo basmati trong giai đoạn 2014/15 đến 2016/17, sau khi Iran giảm mạnh mua gạo thơm của nước này. Thịt trâu tiếp tục chiếm thị phần lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản suốt 3 năm sau đó.
Nhưng một lần nữa, thứ tự đã thay đổi vào năm 2017 khi nhu cầu trên toàn cầu tăng do kinh tế thế giới tăng trưởng với tốc độ nhanh dần lên. Brazil đã phục hồi mạnh mẽ hơn và giành lại vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu thịt trâu/bò. Sau khi giảm trong năm 2017, xuất khẩu thịt trâu của Ấn Độ tiếp tục trượt dốc trong năm 2018 và mất vị trí thứ hai vào tay Australia.
Hiện nay, Ấn Độ đang tụt dần xuống vị trí nước xuất khẩu thịt trâu/bò lớn thứ ba thế giới.
Tham khảo: moneycontrol
Vũ Ngọc DiệpNgành nông nghiệp đặt mục tiêu năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 - 3,4%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 64- 65 tỷ USD.