Xuất khẩu thủy sản chính thức cán mốc kỷ lục 10,2 tỷ USD sau 11 tháng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 11 tháng năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt 10,14 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số kỷ lục sau hơn 20 năm ngành thủy sản tham gia vào thị trường quốc tế.
Trong đó, xuất khẩu cá tra đạt 2,2 tỷ USD, tăng gần 62%; tôm đạt 4,1 tỷ USD, tăng 14,6%.
Xuất khẩu cá tra tăng mạnh nhờ giá trung bình xuất khẩu cá tra tăng tới 50% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá tra cũng nắm bắt cơ hội gia tăng thị phần do xung đột Nga - Ukraine làm nguồn cung cá thịt trắng hạn chế.
Đến nay, xuất khẩu tôm tính chung vẫn có sự tăng trưởng tốt nhờ kết quả tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm. Nửa cuối năm, xuất khẩu tôm bị sụt giảm vì thị trường giảm nhu cầu và thiếu nguyên liệu trong nước.
Giá tôm trung bình xuất khẩu tôm đã chững lại do áp lực cạnh tranh rất lớn với tôm của hai nước Ecuador và Ấn Độ.
Điểm đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ được dự báo sẽ đạt kỷ lục 1 tỷ USD trong năm 2022. Các sản phẩm như mực, bạch tuộc, cá biển… đều có sự tăng trưởng tốt với hai con số.
Tuy nhiên riêng tháng 11, xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên rơi xuống mức tăng trưởng âm, chỉ đạt 780 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm sâu 20 – 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường xuất khẩu, hiện Mỹ đang đóng góp lượng ngoại tệ nhiều nhất cho thuỷ sản Việt Nam với trên 2 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2021. Còn xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc – Hong Kong và thị trường Nhật Bản đạt doanh số gần tương đương nhau, khoảng 1,6 tỷ USD. Thị trường EU đến cuối tháng 11 đã mang về cho thuỷ sản Việt Nam trên 1,2 tỷ USD và Hàn Quốc mang về trên 882 triệu USD.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) nhận định 11 tháng năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 10 tỷ USD là kết quả của sự tăng trưởng mạnh ba quý đầu năm, nhu cầu thị trường dồi dào, giá xuất khẩu tăng, nguồn nguyên liệu đủ cung ứng cho đơn hàng.
Tuy nhiên, giai đoạn nửa cuối năm tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại, nhu cầu thị trường tụt dốc, điều này thể hiện rõ nhất ở kết quả xuất khẩu trong quý IV. Trong tháng 10, xuất khẩu thuỷ sản chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021, tháng 11 giảm 14%.
VASEP dự báo trong tháng 12, xuất khẩu thuỷ sản sẽ giảm sâu hơn nữa và đà sụt giảm kéo dài sang năm 2023.
Lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý I/2023 gần như đình trệ. Nhiều doanh nghiệp cho biết đơn hàng sụt giảm mạnh với hầu hết các mặt hàng thủy hải sản ở các phân khúc giá.
An Mai (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.