Xuất khẩu thủy sản hai tháng đầu năm 2024 vượt 1,3 tỷ USD

Xuất nhập khẩu
04:00 PM 05/03/2024

Xuất khẩu thủy sản trong 2 tháng đầu năm nay đã thu về 1,3 tỉ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nhiều doanh nghiệp đang đón đơn hàng mới trở lại.

HIệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu thủy sản tháng 2 ước đạt 564 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức sụt giảm này vẫn là con số tích cực vì tháng 2 năm nay có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu thủy sản hai tháng đầu năm 2024 vượt 1,3 tỷ USD- Ảnh 1.

Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng dương trở lại. Ảnh: Internet

Tháng 1, xuất khẩu đã tăng bứt phá 64% so với cùng kỳ năm 2023 (nếu bỏ yếu tố Tết Nguyên đán trùng vào tháng 1 năm ngoái thì xuất khẩu vẫn tăng 25 -26%). Sau khi sụt giảm liên tục từ quý IV/2022, xuất khẩu từ quý IV/2023 có chiều hướng tích cực hơn và đột phá mạnh mẽ vào tháng 1 khi nhu cầu mua hàng phục vụ Tết Nguyên đán ở nhiều thị trường gia tăng, nhất là Trung Quốc và các nước châu Á. Một phần trong đó cũng phục vụ cho người tiêu dùng là cộng đồng người Việt và người châu Á ở các thị trường khác.

Tính tới hết tháng 2, xuất khẩu tôm và cá ngừ đều tăng 37% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu cá tra tăng 15% và cá các loại khác tăng 8%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm nhẹ 1%.

VASEP cho biết, xuất khẩu tôm có tín hiệu khả quan ở nhiều thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia. Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu đang hồi phục tốt, trong khi nước xuất khẩu cạnh tranh là Ecuador đang bị cảnh báo bởi tôm có chất sulfit và vấn đề cước vận tải tăng do căng thẳng Biển Đỏ cũng khiến cho nhập khẩu tôm Ecuador vào Trung Quốc sụt giảm.

Bên cạnh đó, giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ và EU đều chạm đáy những tháng cuối năm 2023, nhưng đã phục hồi nhẹ vào tháng 1, tuy nhiên giá xuất sang Trung Quốc vẫn thấp đáng kể so với những năm trước.

Các chuyên gia VASEP nhận định, vấn đề tồn kho và dư nguồn cung vẫn đang tác động đến tiêu thụ và nhập khẩu các loài thủy sản chính như tôm, cá tra…

Ngoài ra, phía VASEP còn cho biết, xuất khẩu hải sản vẫn đang trong giai đoạn khó vì vấn đề thẻ vàng IUU khiến việc làm xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu sang EU bị đình trệ, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu trong nước lại gặp khó với nguyên liệu nhập khẩu vì những quy định liên quan IUU.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.