Xuất khẩu thủy sản kỳ vọng đạt 10 tỷ USD trong năm 2022

Xuất nhập khẩu
10:57 AM 24/06/2022

Năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD; 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu (XK) thủy sản Việt Nam đã đạt hơn 4,7 tỷ USD, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng và bối cảnh cung - cầu hiện nay, dự báo XK thủy sản năm nay sẽ đạt mốc kỷ lục 10 tỷ USD.

Mới đây tại TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức Hội nghị toàn thể hội viên VASEP năm 2022.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết, năm 2021, xuất khẩu thủy sản đạt gần 9 tỷ USD. Đây là kết quả đáng ghi nhận cho các doanh nghiệp thủy sản khi mà các doanh nghiệp đã trải qua một năm đầy biến động và khó khăn.

Xuất khẩu thủy sản kỳ vọng dấu mốc 10 tỷ trong năm 2022 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cũng theo ông Hòe, xuất khẩu thủy sản đầu năm tăng trưởng rất ấn tượng. Các doanh nghiệp thủy sản đã xuất khẩu sang khoảng 160 thị trường, kim ngạch đạt xấp xỉ 6 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021. Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành thủy sản. Trong đó, lợi thế có được từ việc cắt giảm thuế quan sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam.

Xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ghi nhận doanh số kỷ lục trên 1 tỷ USD/tháng. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD/tháng và kéo dài liên tục trong 3 tháng 3, 4 và 5.

Tuy đã đạt xấp xỉ 6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022, nhưng trước những thách thức lớn như lạm phát ở mức cao đang lan rộng ở nhiều thị trường, Trung Quốc duy trì chính sách “Zero COVID”, chi phí vận tải biển vẫn ở mức cao, VASEP đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, trong đó, XK tôm đạt 4,2 tỷ USD; cá tra 2,5-2,6 tỷ USD; cá ngừ gần 1 tỷ USD; mực, bạch tuộc khoảng 650 triệu USD; còn lại các hải sản khác khoảng 1,6 tỷ USD. 

Cũng theo VASEP, bên cạnh những điều kiện thuận lợi như nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các thị trường chính đều tăng mạnh sau dịch COVID-19; doanh nghiệp tận dụng lợi thế thuế quan ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường như EU, Australia, Canada, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Anh…, ngành thủy sản cũng đối diện với nhiều khó khăn.

Cùng với đó là cước vận tải biển tăng gấp 6-10 lần so với trước dịch, thiếu container để vận chuyển. Chính sách zero COVID-19 nghiêm ngặt tại Trung Quốc gây ách tắc xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.

Nông ngư dân và doanh nghiệp chế biến thủy sản khó tiếp cận vay vốn để phục hồi sản xuất. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các nước khác như Ấn Độ, Ecuador về nguồn cung, giá thành và giá xuất khẩu thủy sản. Một số quy định, chính sách trong nước gây bất lợi cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản như: kiểm dịch thủy sản nhập khẩu, quy định ngưỡng phốt pho trong nước thải chế biến thủy sản…

Dù nhận định còn nhiều khó khăn, nhưng theo VASEP, dự báo XK thủy sản quý II sẽ đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ 2021; quý III cũng đạt khoảng 3 tỷ USD (tăng 33%) và cả năm 2022 sẽ chạm ngưỡng 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2021. Nếu đạt được mục tiêu nói trên, lần đầu tiên trong lịch sử ngành thủy sản Việt Nam giá trị xuất khẩu thủy sản trong 1 năm chạm mốc 10 tỷ USD.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn