Xuất khẩu thủy sản lo giảm tốc nửa cuối năm

Xuất nhập khẩu
03:50 PM 19/07/2022

Nhu cầu các mặt hàng thủy sản đã có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 5 năm 2022, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu đang ở mức cao. Cùng với áp lực lạm phát, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sẽ giảm tốc trong quý 3/2022.

Nhu cầu xuất khẩu thủy sản chững lại

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ấn tượng, đạt kim ngạch xấp xỉ 6 tỷ USD, tăng 40% so với nửa đầu năm 2021. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy ngành thủy sản đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19 và tăng trưởng xuất khẩu trở lại. 

Xuất khẩu thủy sản lo giảm tốc nửa cuối năm - Ảnh 1.

Nhu cầu xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu chững lại kể từ tháng năm. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Tuy nhiên, theo báo cáo cập nhật ngành thủy sản của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), nhu cầu đã có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 5/2022, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu ở mức cao vào thời điểm này.

Theo VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam), tồn kho tại trị trường Mỹ đã ở mức cao. Cùng với áp lực lạm phát, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý III/2022. Tuy nhiên, SSI Research nhận định rằng nhu cầu sẽ tăng nhanh trước kỳ nghỉ lễ quý IV/2022 (Lễ Tạ ơn và Giáng sinh).

Mặt khác, vì giá bán bình quân của tôm thẻ chân trắng Việt Nam hiện đã cao hơn Ấn Độ và Ecuador tại thị trường Hoa Kỳ, nên các doanh nghiệp xuất khẩu khó có thể giữ giá bán bình quân của tôm cao như mức giá trong nửa đầu năm 2022. 

SSI Research đánh giá điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp chế biến tôm vốn lấy thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu chính, khi giá tôm nguyên liệu dự kiến sẽ cao hơn trong nửa cuối năm 2022 do nguồn cung thiếu hụt vì dịch bệnh bùng phát.

Nhận diện thách thức của ngành thuỷ sản nửa cuối năm

Khó khăn đầu tiên của ngành thủy sản là chi phí tăng cao làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp thủy sản đang gánh nhiều khoản chi phí tăng tác động kéo theo chi phí đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp, giá thành sản phẩm tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm thủy sản và các ngành hàng.

Xuất khẩu thủy sản lo giảm tốc nửa cuối năm - Ảnh 2.

Nhiều thách thức đặt ra với ngành thủy sản. Ảnh: Internet

Giá xăng dầu tăng đã đẩy chi phí vận chuyển đường bộ, logistics tăng từ 10-20% so với trước. Đây là bài toán khó đối với các DN thủy sản trong bối cảnh thị trường thủy sản thế giới đã hồi phục sau COVID-19 và các nguồn cung đối thủ đang gia tăng cạnh tranh mạnh mẽ.

Xuất khẩu thủy sản sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn khác như chính sách Zero COVID của Trung Quốc; cảnh báo thẻ vàng IUU của EU, chương trình kiểm soát thuỷ sản nhập khẩu của Mỹ (SIMP); cạnh tranh gay gắt với các nước khác như Ấn Độ, Ecuador về nguồn cung, giá thành và giá khẩu…

Thực tế, xung đột Nga – Ukraine có mang đến cơ hội cho thủy sản Việt Nam nhưng sự kiện này cũng gián tiếp làm tăng chi phí đầu vào, xói mòn lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp thủy sản, giảm sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp thủy sản phải đối mặt là đảm bảo đủ nguyên liệu chế biến cho các đơn hàng cuối năm.

Đơn cử như tại Công ty CP thực phẩm Sao Ta, hiện nhiều trang trại nuôi tôm ở tỉnh Sóc Trăng đang vất vả vì dịch bệnh, thậm chí đã có trang trại phải đóng cửa. Nguồn tôm nguyên liệu sẽ giảm mạnh vì người dân chùn tay thả nuôi do dịch bệnh còn tiềm ẩn.

Dẫn tới, Sao Ta vẫn đang phải phụ thuộc vào nguồn tôm nguyên liệu bên ngoài bởi vùng nuôi 320 ha của công ty mới chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu chế biến. Việc tự chủ hoàn toàn 100% nguyên liệu tôm là điều không thể vì hiện tại ngành tôm vẫn còn khá manh mún, tự phát.

Tương tự, Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex, chuyên mặt hàng tôm) cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo đơn hàng. Năm 2021, do dịch COVID-19 đã khiến doanh nghiệp phải thực hiện 3 tại chỗ, nhiều nhà máy đóng cửa, giảm công suất, sau khi mở cửa trở lại, khách hàng ai cũng muốn đặt hàng nhưng mùa vụ qua mất rồi nên không thể nào tăng diện tích thả nuôi.

Mốc 10 tỷ USD vẫn khả thi

TS Hồ Quốc Lực - nguyên Chủ tịch VASEP, nhận định xuất khẩu thủy sản năm nay hoàn toàn có thể cán mốc 10 tỷ USD. Bởi kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay sẽ cao hơn năm ngoái, ít nhất 10%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Lý do là thành quả 6 tháng đầu năm sẽ là nền tảng để ngành tôm tăng tốc. 

"Năm nay, ngành tôm phấn đấu đạt sản lượng tôm thương phẩm 1 triệu tấn. Mức phấn đấu này còn phụ thuộc thời tiết của 6 tháng cuối năm, nhưng chúng ta có căn cứ để đạt mốc này. Đó là chuỗi hợp tác nuôi mới giữa nhà cung ứng, ngân hàng, đại lý và người nuôi ngày càng thể hiện tích cực rõ nét hơn. Năm 2022 sẽ là một năm tiếp tục thành công của ngành tôm nước nhà", TS Lực nhận định tại Hội nghị toàn thể VASEP năm 2022.

Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2022 là thời điểm để các doanh nghiệp thủy sản nỗ lực vượt qua khó khăn do lạm phát để phục hồi sản xuất và xuất khẩu. Nếu ngành thuỷ sản xuất khẩu thuận lợi về mặt nguyên liệu, sự hỗ trợ kịp thời trong việc vay vốn với gói lãi suất 2%, sẽ thu về trên 10 tỷ USD trong năm nay.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.