Xuất khẩu thủy sản năm 2022: Nhiều cơ hội và thách thức đan xen
Năm 2022, ngành thủy sản được dự báo có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất, xuất khẩu, tuy nhiên, đi cùng với đó là những thách thức không nhỏ.
Dư địa lớn cho xuất khẩu thủy sản
Nỗ lực sản xuất, xuất khẩu thủy sản năm 2021 đã mang lại nhiều bài học quý giá cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên toàn cầu vẫn đang tăng khoảng 5% mỗi năm.
Nếu ngành thủy sản Việt Nam tận dụng tốt việc tăng nhu cầu trên thế giới để tăng thêm thị phần, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, thì hoàn toàn có thể duy trì được sự tăng trưởng. Trong đó tôm vẫn là “át chủ bài” thúc đẩy xuất khẩu thủy sản cả nước. Do đó, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam được dự báo sẽ tăng 10% so với năm 2021 lên 4,3 tỷ USD vào năm 2022.
Bên cạnh thị trường Mỹ, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) cũng hỗ trợ Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh tại EU vào năm 2022. Điều này tạo dư địa cho Việt Nam mở rộng thị phần tại thị trường EU.
Không chỉ thuận lợi với xuất khẩu tôm, VASEP ước tính xuất khẩu cá tra năm 2022 cũng sẽ đạt mục tiêu khoảng 1,65 tỷ USD, tương ứng mức tăng 7% so với năm 2021.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2022, ngành thủy sản sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển. Trong đó, có thể kể đến kinh tế thế giới dự báo sẽ có tăng trưởng trở lại sau khi chiến lược tiêm vắc xin cho toàn dân được thực hiện. Bên cạnh đó là lợi thế từ việc tận dụng các ưu đãi của các Hiệp định CPTTP và EVFTA. Đồng thời, các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện các mục tiêu, giải pháp Chiến lược phát triển thủy sản đã được triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; các khó khăn, bất cập trong quy định pháp luật được rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp.
Cơ hội, thách thức đan xen
Cùng với những thuận lợi, ngành Thủy cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp với việc xuất hiện các biến chủng mới (sau biến chủng Delta là biến chủng Omicron). Việc giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn, giá cước vận chuyển quốc tế chưa có xu hướng giảm. Thời tiết diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, sự thiếu hụt nguồn nước cấp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với đó là yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc của các thị trường, thẻ vàng của EC chưa được tháo gỡ, lao động trong khai thác thiếu về số lượng và chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng,…
Về sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia. Một số thị trường nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm.
Điển hình như Hàn Quốc, sản phẩm tôm muốn xuất khẩu sang thị trường này phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Thời gian xử lý nhiệt trên sản phẩm tôm theo quy định của Hàn Quốc dài nên ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị của sản phẩm.
Một thị trường khác là Brazil cũng quy định chế độ xử lý nhiệt rất khắt khe so với hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới, đây cũng là một khó khăn, thách thức với các DN xuất khẩu.
Ngoài ra, mặc dù đã có sự chủ động trong sản xuất, các DN cũng ký kết được các đơn hàng xuất khẩu thủy sản lớn, song theo phân tích của các chuyên gia, việc kiểm soát dịch COVID-19 chưa có sự chắc chắn, bên cạnh đó là áp lực chi phí nguyên liệu thô kéo dài và chi phí vận chuyển cao nên kế hoạch xuất khẩu của ngành thủy sản trong năm 2022 được đánh giá là khiêm tốn.
Để giấc mơ thủy sản vươn xa, bền vững, không phải là tâm trạng trông chờ “thoát hiểm cuối năm” như hiện tại, TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia nghiên cứu kinh tế độc lập, chia sẻ với báo chí: Thế mạnh về điều kiện tự nhiên vùng nuôi, năng lực khai thác, chế biến, xuất khẩu và dư địa gia tăng chuỗi giá trị các ngành công nghiệp chế biến sâu, tạo ra sản phẩm mới chất lượng cao từ các nguyên liệu, phụ phẩm tôm, cá tra còn rất lớn.
Vì thế, phải liên kết vùng, thương hiệu hóa và luật hóa “sân chơi” nội địa và quốc tế để các DN ngành thủy sản ứng xử đúng, liên kết lại để “làm sạch” con tôm, con cá và các sản phẩm thủy sản, đủ sức cạnh tranh với bên ngoài. Các dịch vụ hậu cần logistics, thương mại điện tử, ứng dụng số cần được khuyến khích, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra nhiều phân khúc giá trị thủy sản sáng tạo. Đạt được điều đó thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2022 sẽ không chỉ dừng lại ở con số 9 tỷ USD.
Hoài ThươngTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.