Xuất khẩu thủy sản quý III/2023 có thể giảm mạnh

Xuất nhập khẩu
10:54 AM 25/03/2023

Quý I năm nay, tình hình sản xuất - xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp tục trầm lắng do lạm phát khiến nhu cầu nhập khẩu giảm và chi phí đầu vào tăng cao.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 3/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 336,4 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3, Việt Nam xuất khẩu mặt hàng thủy sản đạt 1,4 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quý đầu năm 2023 có thể giảm mạnh.

Xuất khẩu thủy sản quý III/2023 có thể giảm mạnh - Ảnh 1.

Xuất khẩu thủy sản quý III/2023 có thể giảm mạnh. Ảnh: Tạp chí Mekong Asean

Trong đó, tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực quý I năm nay lại là mặt hàng có mức giảm mạnh nhất 40%, tương ứng trị giá 335 triệu USD, kế tiếp đến cá tra giảm 38%, tương ứng 240 triệu USD, cá ngừ, giảm 30% tương ứng trị giá 109 triệu USD, cua ghẹ và giáp xác khác giảm 46%...

Top 5 thị trường xuất khẩu thủy sản chính, chiếm 58,18% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đều sụt giảm mạnh. Nhật Bản đạt 187 triệu USD, giảm 11%. Mỹ đạt 155 triệu USD, giảm 55%. Trung Quốc đạt 151 triệu USD, giảm 11%. Hàn Quốc 104 triệu USD, giảm 14%. Thái Lan đạt 44 triệu USD, giảm 15%.

Nguyên nhân của tình trạng trên được các chuyên gia nêu ra là nhu cầu nhập khẩu giảm và chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu tăng cao.

Về thức ăn nuôi thủy sản. Hiện nay, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản và sản phẩm thủy sản đều cao. Ngành nuôi trồng thủy sản đang loay hoay với bài toán giá thành và năng lực cạnh tranh.

Chẳng hạn, giá nguyên liệu tôm của Việt Nam đang cao hơn 20-30% so với giá tôm cùng loại của Ấn độ và Ecuador. Trong đó, chi phí cho thức ăn chăn nuôi là một chi phí đầu vào có tính chi phối đối với giá thành sản phẩm thủy sản nuôi.

Bên cạnh đó, tình trạng phổ biến của hầu hết các doanh nghiệp thủy sản hiện nay là "đói" đơn hàng hoặc nếu có cũng không tìm được nguyên liệu để mua hoặc trong trường hợp có nguyên liệu nhưng không có người lao động, khiến ngành thủy sản gặp nhiều cái khó.

Ngoài ra, liên quan đến thị trường Hàn Quốc. Mỗi năm Việt Nam cung cấp cho Hàn Quốc hơn 50% trong số 100.000 tấn tôm mà Hàn Quốc nhập khẩu từ các nước. Theo các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện đang có tình trạng Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu đấu giá mua Quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào nước này với giá 14-16% giá trị nhập khẩu.

Như vậy, nhập khẩu tôm Việt Nam của Hàn Quốc chịu mức thuế 14-20% là chưa đúng tinh thần của của FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc. 

Do đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Công văn số 25 tới Bộ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao rà soát và kiến nghị với phía Hàn Quốc xem xét việc bãi bỏ quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

Ngày 15/3/2023, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã gửi Công văn số 24 tới Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu khô đậu tương từ mức 2% về mức 0%.

Tại Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2023, tổ chức tại Sóc Trăng, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, lãnh đạo ngành hàng như VASEP (Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam) phải quan sát kỹ lưỡng cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết các vấn đề về thị trường. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp và người nuôi để lan tỏa được những công nghệ mới...

Thứ trưởng cho biết, mỗi năm ở giai đoạn đầu quý I bao giờ xuất khẩu cũng chậm nhưng sự tăng tốc bắt đầu từ quý II.

Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, điều cần làm hiện nay là duy trì yếu tố đầu vào ở mức ổn định một cách chủ động. Đồng thời, cần làm rõ thực trạng, đề ra giải pháp cụ thể và thực thi một cách nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp đã được đề ra, đặc biệt là vấn đề chất lượng, giá cả con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học và công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh… 

Điều này giúp các doanh nghiệp trong ngành mạnh dạn đầu tư sản xuất, tiếp tục củng cố vị thế của Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới. Đồng thời góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.


Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn