Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm mạnh
Trong tháng 7, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ghi nhận mức giảm mạnh nhất, giảm tới 24,3%, chỉ đạt 164 triệu USD.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu thủy sản trong tháng 7/2022 đạt 944 triệu USD, giảm 6,2% so với tháng trước và giảm tháng thứ 3 liên tiếp sau khi lập đỉnh vào tháng 4.
Mỹ là thị trường quan trọng nhất và cũng ghi nhận mức giảm mạnh nhất 24,3%, chỉ đạt 164 triệu USD. Thị trường Trung Quốc đạt 107 triệu USD giảm hơn 19%. Thị trường Nhật Bản đạt 152 triệu USD, giảm gần 6%. Riêng thị trường EU tăng nhẹ 3,1%, đạt giá trị 130 triệu USD.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm vẫn là mặt hàng chủ lực trong cơ cấu sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Sau khi tăng mạnh nhập khẩu tôm trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu tôm của Mỹ đã chững lại từ tháng 5.
Nguyên nhân là, sau thời gian tăng trưởng sẽ dẫn tới tồn kho cao và giá tôm cũng phải chịu áp lực. Các vấn đề về logistics, vận tải như tắc cảng, giá cước vận chuyển tăng, thiếu kho lạnh cũng khiến nhập khẩu tôm của Mỹ giảm. Sức mua thủy sản trong đó có tôm tại phân khúc bán lẻ cũng giảm do hiện là mùa hè, người dân có nhiều việc khác để quan tâm hơn.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trung bình xuất khẩu tôm chân trắng từ Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng lên 11,9 USD/kg từ mức 10,9 USD/kg cùng kỳ năm ngoái, giá trung bình xuất khẩu tôm sú tăng lên 20,3 USD/kg từ 19,2 USD/kg của cùng kỳ năm ngoái. Đây được coi là một trong những yếu tố giúp duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong những tháng đầu năm 2022.
Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản vào Mỹ trong 7 tháng vẫn đạt 1,47 tỉ USD tăng 29%, Nhật Bản đạt 951 triệu USD, tăng 18,6%, Trung Quốc đạt 934 triệu USD tăng 80% và EU đạt 816 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2021.
Quang LộcTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.