Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc phục hồi mạnh

Đầu tư và Tiếp thị
06:26 PM 20/03/2022

Tổng 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ khi đạt 145 triệu USD (chiếm 85%).

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 1/2022 xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và HongKong tăng 56%, tháng 2 vượt trội hơn với mức tăng trưởng 138% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu thủy sản của nước ta sang Trung Quốc phục hồi mạnh - Ảnh 1.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc 2 tháng đầu năm đạt 145 triệu USD. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tổng 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản thị trường này đạt gần 170 triệu USD. Trong đó, sang Trung Quốc tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ khi đạt 145 triệu USD (chiếm 85%) và sang HongKong tăng 46% khi đạt 25 triệu USD (chiếm 15%).

Các nhà nhập khẩu tại Trung Quốc lục địa và HongKong đều tăng mạnh đơn hàng các sản phẩm cá tra, cua ghẹ, mực, bạch tuộc của Việt Nam trong hai tháng qua.

Với mặt hàng tôm, tuy tăng trưởng khiêm tốn nhưng vẫn chiếm tỷ trọng cao (23,4%) trong tổng xuất khẩu thủy sản sang thị trường này, với gần 40 triệu USD, tăng 13%.

Trước đó, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc và HongKong trong năm 2021 giảm gần 17%, xuống còn hơn 1,1 tỷ USD, mức thấp nhất trong 5 năm qua. Nguyên nhân chính là chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc khiến cho hoạt động giao thương và thông quan hàng nhập khẩu bị đình trệ, ách tắc.

Trong năm 2021, Trung Quốc với chính sách nhập khẩu thất thường, tạo ra thách thức với các nhà cung ứng. Không chỉ Việt Nam, một số nguồn cung thủy sản lớn khác như Nga, Ấn Độ, Na Uy cũng gặp trở ngại lớn do các biện pháp kiểm soát hàng thực phẩm nhập khẩu chặt chẽ quá mức cần thiết.

Mới đây, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có công văn cảnh báo doanh nghiệp thủy sản về tình trạng 3 tháng đầu năm nay, số lô hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị cơ quan thẩm quyền quốc gia này cảnh báo phát hiện virus SARS-COV-2 tăng mạnh.

Nếu không kịp thời có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả thì việc số lô hàng thủy sản bị cảnh báo phát hiện virus SARS-COV-2 và trả về nhiều sẽ gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Trung Quốc có lợi thế là nhu cầu nội địa lớn nên trở thành khách hàng lớn nhất cho tôm nuôi từ Ấn Độ, Eucador, tôm biển từ Argentina. Nguồn cung tôm giá rẻ vào Trung Quốc tăng mạnh cộng với tác động COVID-19 lên tiểu ngạch khiến việc cung ứng tôm sú cỡ lớn của Việt Nam vào Trung Quốc có phần giảm sút.

Hiện nay, Việt Nam vẫn là 1 trong 3 thị trường cung cấp sản phẩm cá thịt trắng hàng đầu cho Trung Quốc. Trong đó, Việt Nam là nhà cung cấp cá tra đông lạnh duy nhất tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang đầu tư, thăm dò nhiều thị trường nguồn cung cá tra ở Đông Nam Á (ngoài Việt Nam) do nhu cầu của nước này dự báo trong năm 2022 tăng mạnh.

Theo VASEP, Trung Quốc thay đổi thường xuyên những quy định về nhập khẩu. Doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ các quy định mới về xuất khẩu thủy sản sang thị trường này, tăng cường tìm hiểu nhu cầu của từng phân khúc thị trường tại Trung Quốc, nghiên cứu mẫu mã, bao bì, nhãn mác…

Quang Lộc (T/h)
Ý kiến của bạn
WB: Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á - Thái Bình Dương WB: Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á - Thái Bình Dương

Với triển vọng kinh tế Việt Nam tốt hơn vào những tháng cuối năm, Ngân hàng Quốc tế (World Bank - WB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024. WB nhấn mạnh: “Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á - Thái Bình Dương”.