Xuất khẩu thủy sản tự tin với mục tiêu 10 tỷ USD
Thị trường ấm dần lên, đơn hàng tăng trở lại, vì vậy các doanh nghiệp trong ngành thủy sản đang rất tự tin với mục tiêu 10 tỷ USD trong năm nay, tức là cao hơn so với mục tiêu đề ra đầu năm nay là 9,5 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản 10 tháng đã đạt 8,27 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu 2 tháng cuối năm, mỗi tháng đạt được khoảng 1,8 tỷ USD thì xuất khẩu thủy sản sẽ cán mốc 10 tỷ USD trong năm 2024, tức là cao hơn so với mục tiêu đề ra đầu năm nay là 9,5 tỷ USD.
Thị trường thuận lợi, đa dạng sản phẩm, xúc tiến thêm các thị trường mới... chính là những nguyên nhân của sự tăng trưởng tích cực của thủy sản Việt Nam. Đặc biệt, 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa xuất khẩu thủy sản Việt Nam trở về quỹ đạo tăng trưởng khi đều tăng hơn 30% trong tháng qua.
VASEP cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản đến hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 thị trường "tỷ đô" và đây đều là những thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.
Cụ thể, khu vực thị trường Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chiếm khoảng 25% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tiếp đến là thị trường châu Âu với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chiếm khoảng 10%. Thị trường Hàn Quốc với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) chiếm khoảng 9%.
Có thể thấy, thời gian qua các FTA đã tạo chuyển biến rất tích cực đối với toàn bộ hoạt động ngành thủy sản. Bên cạnh đó, việc tham gia các FTA thế hệ mới cũng tạo động lực đẩy nhanh hiện đại hóa ngành thủy sản, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) áp dụng công nghệ tiên tiến và đầu tư khép kín chuỗi sản xuất...
Theo VASEP, hiện tại xuất khẩu thủy sản dù có nhiều tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn chưa hết khó khăn. Sự phục hồi chậm và dè dặt của các thị trường, áp lực cạnh tranh về giá xuất khẩu và nguồn cung cùng với những khó khăn trong sản xuất chế biến trong nước như chi phí đầu vào tăng, nguyên liệu thiếu hụt… đang và sẽ tiếp tục tác động đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2024. Trong khi đó, việc giải phóng hàng tồn kho cũng gây thêm áp lực cạnh tranh về giá đối với hàng mới nhập.
Vào những tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản sẽ tăng mạnh hơn do nhu cầu mua sắm ở các thị trường nhập khẩu tăng. Đặc biệt, các sản phẩm đạt chứng chỉ xanh, thân thiện với môi trường, không kháng sinh sẽ được ưa chuộng nhất.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, để đạt mục tiêu xuất khẩu gần 10 tỷ USD trong năm nay, các DN thủy sản phải thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường. Các DN cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc vào một thị trường; đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam, đồng thời cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
Minh An (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.