Xuất khẩu thủy sản tự tin với mục tiêu 9,5 - 10 tỷ USD

Xuất nhập khẩu
09:55 AM 25/02/2024

Với tín hiệu lạc quan ở các tháng đầu năm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của doanh nghiệp, ngành thủy sản kỳ vọng biên độ xuất khẩu năm 2024 trong khoảng 9,5 - 10 tỷ USD.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sau khi về đích năm 2023 ở mức 9,2 tỷ USD, bằng 92% mục tiêu đề ra từ đầu năm, ước tính tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã đạt 730 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2023 do tháng 1/2023 trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán.

Xuất khẩu thủy sản tự tin với mục tiêu 9,5 - 10 tỷ USD- Ảnh 1.

Xuất khẩu thủy sản tự tin với mục tiêu 9,5 - 10 tỷ USD. Ảnh: Internet

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang một số thị trường như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc... có khả năng phục hồi trở lại trong các tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành vẫn tiếp tục nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu hàng thủy sản. Bên cạnh đó, thích ứng nhanh, phục hồi tốt là kỳ vọng ngành thuỷ sản đặt ra năm 2024.

Thận trọng với các kế hoạch kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì đơn hàng ở thị trường trọng điểm và có thêm đơn hàng ở các thị trường ngách. Ngay trong quý đầu năm 2024, nhiều doanh nghiệp đã đón nhận tin vui khi đơn hàng có sự cải thiện rõ rệt so với thời điểm này năm trước.

Ghi nhận tại Công ty cổ phẩn Thủy sản sạch Việt Nam, đơn hàng tháng đầu năm tăng hơn 50% so với cùng kỳ. Tồn kho ở các thị trường trọng điểm đã giải tỏa hết, khách hàng từ Mỹ, châu Âu tăng đặt hàng ngay những ngày đầu năm…

Với những thuận lợi trong logistics Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp càng tự tin cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Ông Võ Văn Phục - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Sóc Trăng) cho biết, bên cạnh một số lợi thế trên, về phía doanh nghiệp cũng phải tăng cường phát triển vùng nuôi làm sao cho năng suất cao, chi phí thấp.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 được dự báo sẽ phục hồi nhẹ so với mức nền thấp của năm 2023 do nhu cầu thị trường chưa chắc chắn và kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.

Cụ thể, năm 2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ tăng 10 - 15% so với năm 2023, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm, giá tôm tăng trở lại.

Trong khi ngành cá tra đặt mục tiêu phấn đấu có diện tích thả nuôi đạt 5.700 ha, sản lượng cá tra thương phẩm đạt khoảng 1,7 triệu tấn, trị giá xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức đối với xuất khẩu hải sản, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng.

Nhìn chung, xuất khẩu thủy sản được dự báo sẽ hồi phục dần trong năm 2024 và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Trước những biến động tích cực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, với tín hiệu lạc quan ở các tháng đầu năm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của doanh nghiệp, ngành thủy sản sẽ đón nhận những khởi sắc trong tiêu thụ, có kỳ vọng biên độ xuất khẩu trong khoảng 9,5 - 10 tỷ USD.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.