Xuất khẩu tôm dự báo nhiều khó khăn trong năm 2023

Thị trường
08:23 AM 17/03/2023

Năm 2023, ngành hàng tôm được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn do biến động của thị trường.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam lần đầu tiên đạt con số kỷ lục với 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, đồng thời cao hơn các năm 2019 với 3,4 tỷ USD, năm 2020 với 3,7 tỷ USD, năm 2021 với 3,9 tỷ USD.

Mặc dù đạt con số rất lớn trong năm 2022, tuy nhiên, năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam được dự báo sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Đó là những thách thức phải cạnh tranh mạnh hơn với Ecuador và Ấn Độ. Khi năm 2023, Ecuador dự kiến sản lượng tôm lớn hơn 1,5 triệu tấn, gấp 2 lần so với sản lượng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam (hơn 700.000 tấn).

Ngành xuất khẩu tôm dự báo nhiều khó khăn trong năm 2023 - Ảnh 1.

Đáng chú ý là giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ nửa cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng dẫn đến khả năng huy động nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu rất khó khăn.

Nền kinh tế châu Âu tiếp tục khó khăn nên xuất khẩu tôm sang EU không được đánh giá tích cực trong năm 2023. Với thị trường Hàn Quốc, nửa đầu năm 2023, nhập khẩu tôm của thị trường này sẽ chậm lại theo xu hướng trong quý cuối năm 2022 do kinh tế khó khăn, sau đó mới phục hồi.

VASEP nhấn mạnh, xuất khẩu tôm trong năm 2023 sẽ rất khó khăn. Chỉ có thể dự báo nhu cầu thị trường sẽ hồi phục từ quý 2 năm 2023 trong xu hướng giá thấp hơn năm 2022. Điều này cũng thấy rõ, khi giá trị xuất khẩu tôm trong những tháng gần đây, nhất là tháng 2/2023, giá trị xuất khẩu chỉ đạt 251 triệu USD, giảm mạnh với con số giảm 54,9%.

Năm 2023, ngành hàng tôm Việt Nam vẫn đề ra mục tiêu đạt con số trên 4,3 tỷ USD – một con số rất cao trong bối cảnh dự báo thị trường có nhiều khó khăn, biến động, ảnh hưởng của lạm phát. Để đạt được điều này, Theo Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, cần tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tôm để đáp ứng với nhu cầu của thị trường quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Trong đó, tập trung hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp, hiệu quả; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Tổ chức sản xuất theo hướng liên kết (liên kết dọc gữa các nhà với nhau; liên kết ngang giữa các cơ sở sản xuất), sản xuất có chứng nhận chất lượng để sản xuất an toàn và hạ giá thành cho sản phẩm.

Đối với các địa phương, tổ chức liên kết giữa các địa phương tham gia chuỗi tôm, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm vận hành liên hoàn. Các doanh nghiệp, người nuôi tôm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản, về an toàn thực phẩm, về thú y… Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong điều kiện khó khăn như: hạn hán, xâm nhập mặn, biến động môi trường dẫn đến dễ phát sinh dịch bệnh, cộng với giá vật tư đầu vào tăng cao. Hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC, … để nâng cao giá trị sản phẩm.

Minh Đăng
Ý kiến của bạn
Nghệ sĩ dương cầm Anna Polonsky góp mặt tại hòa nhạc “Let Her Shine” tại Nhà hát Hồ Gươm Nghệ sĩ dương cầm Anna Polonsky góp mặt tại hòa nhạc “Let Her Shine” tại Nhà hát Hồ Gươm

Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời (SSO) sẽ trình diễn cùng nghệ sĩ dương cầm (piano) nổi tiếng thế giới Anna Polonsky vào tối 22/3/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm trong chương trình hòa nhạc đặc biệt tôn vinh phái đẹp “Let Her Shine”.