Xuất khẩu tôm tháng 7/2024 đạt giá trị cao nhất kể từ đầu năm
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tháng 7/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 375 triệu USD, tăng 17% so với tháng 7/2023. Đây cũng là tháng giá trị cao và tăng mạnh nhất kể từ đầu năm nay.
Tính chung 7 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường xuất khẩu tôm, trong tháng 7, xuất khẩu tôm ghi nhận tăng trưởng ở hầu hết các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, Trung Quốc, EU. Các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn ghi nhận giảm hoặc chỉ tăng nhẹ những tháng trước đó thì trong tháng 7, đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2 con số.
Lý giải về việc trên, VASEP cho rằng, tồn kho giảm bớt, nhu cầu nhập hàng phục vụ các dịp lễ cuối năm khiến cho các thị trường tăng cường nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu từ các nước sản xuất trên thế giới cũng như Việt Nam có xu hướng tăng, tác động tích cực lên giá tôm xuất khẩu.
Đối với thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm tăng 16% đạt 89 triệu USD trong tháng 7. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 391 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng hàng tồn kho tại Mỹ đã giảm, các nhà bán lẻ cần bổ sung hàng tồn kho trước mùa lễ hội cuối năm. Thông tin tích cực về nền kinh tế Mỹ như doanh số bán lẻ trong tháng 7 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, chi tiêu tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và xuất khẩu, lương tăng và tỷ lệ thất nghiệp thấp, lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt. Tôm đông lạnh vẫn là mặt hàng dẫn đầu trong top các sản phẩm bán lẻ bán chạy nhất tại Mỹ.
Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ dự kiến vẫn tăng trong quý III và giá tăng nhẹ kể từ tháng 7 trở đi.
Đặc biệt, đối với thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, XK tôm Việt Nam sang thị trường này có xu hướng phục hồi trong tháng 7 với mức tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 7 tháng, XK tôm sang thị trường này đạt 399 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. VASEP cho rằng, sự phục hồi này đến từ việc nhu cầu nhập khẩu tại Trung Quốc tăng lên, đồng thời đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Ecuador đang gặp khó khăn do các quy định kiểm tra nghiêm ngặt của Trung Quốc.
Mặc dù ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, song VASEP cũng nhìn nhận còn không ít thách thức mà ngành tôm sẽ phải cẩn trọng.
Hiện các doanh nghiệp cũng đã có những chiến lược cho riêng mình như tranh thủ ký hợp đồng cho cả năm, tăng dự trữ nguyên liệu. Kỳ vọng những tháng cuối năm, kinh thế giới và các thị trường nhập khẩu chính sẽ có tín hiệu tốt hơn để ngành tôm có thể đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2024.
Huyền My (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.