Xuất khẩu xi măng tăng trưởng mạnh giữa đại dịch
Đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến tất cả hoạt động sản xuất, nhưng đối với ngành xi măng dường như không chịu nhiều tác động mà còn có mức tăng xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay.
Theo Bộ Công Thương, 7 tháng năm 2021, ngành xi măng đã xuất khẩu 24,35 triệu tấn sản phẩm xi măng, clinker, với trị giá 945 triệu USD, tăng lần lượt 23,7% và 28,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), trong khi nhiều ngành hàng bị chao đảo bởi COVID-19, thì xi măng dường như không chịu nhiều tác động. Ba năm liên tiếp (2018 - 2020), ngành xi măng đều xuất bán số lượng lớn, với giá trị vượt 1 tỷ USD/năm, riêng năm 2020 xuất khẩu hơn 38 triệu tấn, trị giá 1,46 tỷ USD.
Xuất khẩu xi măng tăng mạnh là nhờ Trung Quốc thay đổi chính sách đầu tư đối với ngành này. Cụ thể, Trung Quốc giới hạn và giảm dần các nhà máy xi măng (chủ yếu vì mục đích môi trường), tăng nhập clinker từ nước ngoài, đặc biệt từ Việt Nam.
VNCA đánh giá, ngành xi măng vẫn đang duy trì sản xuất và tiêu thụ khá trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế chịu tác động mạnh bởi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư. Trong đó, kênh xuất khẩu có mức tăng tốt, do xi măng Việt Nam đã ít nhiều tạo được vị thế trên thị trường.
Trong Báo cáo đánh giá triển vọng ngành xi măng năm 2021, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI dự báo, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng từ 5 - 7% so với năm 2020.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, với quy mô công suất vượt 100 triệu tấn và khả năng sản xuất lớn hơn thế, ngành xi măng Việt Nam được coi là có quy mô và sức ảnh hưởng đáng kể tới các thị trường xi măng trong khu vực. Còn trên toàn cầu, Việt Nam đang xếp thứ 5 trên thế giới về năng lực sản xuất xi măng chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga.
Tuy nhiên để hạn chế xuất khẩu tài nguyên không tái tạo, Bộ Tài chính mới đây đã đề nghị tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng clinker từ 5% lên mức 10%. Đề nghị này được Bộ Tài chính đưa ra tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP và Nghị định 122/2016/NĐ-CP về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi…
Bởi theo Bộ Tài chính, việc đẩy mạnh xuất khẩu xi măng và clinker có thể giúp ngành xi măng tận dụng được năng lực sản xuất trong nước và nguồn dư thừa, nhưng đây không phải giải pháp lâu dài và bền vững vì quá trình sản xuất 2 mặt hàng trên chủ yếu dựa vào việc khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo.
Huyền My (T/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.