Xuất nhập khẩu bứt phá, tăng hơn 24% so với cùng kỳ
Tính đến hết ngày 15/3, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 122,21 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, dù đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2021 (từ ngày 1/3 đến ngày 15/3/2021) đạt 26,36 tỷ USD, tăng 22% so với nửa cuối tháng 2/2021. Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 3/2021 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/3 đạt 122,21 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 86,91 tỷ USD, tăng hơn 30%; trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 35,3 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Về xuất khẩu, nước ta tiếp tục duy trì đà tăng ấn tượng từ đầu năm đến nay. Chỉ trong 15 ngày đầu tháng 3, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 13,3 tỷ USD, tăng 30% so với nửa cuối tháng 2 và đã có tới 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu đã vươn lên dẫn đầu trong nửa đầu tháng này, vượt qua điện thoại và linh kiện. Hai nhóm hàng còn lại là máy móc, thiết bị và dệt may.
Như vậy, tính đến hết 15/3, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 62,01 tỷ USD, tăng 22,7% tương ứng tăng 11,47 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng tăng 3,22 tỷ USD, tương ứng tăng 81,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 2,44 tỷ USD, tương ứng tăng 34,9%; điện thoại các loại & linh kiện tăng 1,47 tỷ USD, tương ứng tăng 14,4%... so với cùng kỳ năm 2020.
Ở chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 3/2021 đạt 13,06 tỷ USD, tăng gần 15% so với nửa cuối tháng 2/2021. Nếu tính đến hết 15/3/2021, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đã đạt 60,2 tỷ USD, tăng 25,8% (tương ứng tăng 12,34 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt một số nhóm hàng tăng mạnh như máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 2,31 tỷ USD, tương ứng tăng 20,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 2,04 tỷ USD, tương ứng tăng 30,9%; điện thoại các loại & linh kiện tăng 1,49 tỷ USD, tương ứng tăng 55,7%... so với cùng kỳ năm 2020.
Với kết quả xuất nhập khẩu ấn tượng trên, Việt Nam vẫn đang duy trì được thặng dư thương mại lớn. Trong nửa đầu tháng 3, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 239 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,81 tỷ USD.
Trả lời báo chí, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, trong kết quả xuất nhập khẩu đầu năm có sự đóng góp rất rõ của tất cả các ngành sản xuất, trong đó đặc biệt là các khối ngành công nghiệp. Các mặt hàng như dệt may, da giày trong năm 2020 bị tác động rất lớn nhưng trong thời gian qua, cả hai ngành này cũng đã có bước tăng trưởng khá.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hiện nay, Bộ Công Thương đang xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược mới về hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn sắp tới. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục đàm phán cũng như hoàn thiện các thể chế liên quan đến các hiệp định thương mại tự do, trong đó có vấn đề về quy tắc xuất xứ để giúp cho các doanh nghiệp có thể tận dụng được ưu đãi của các hiệp định tốt hơn trong giai đoạn mới.
Thương Huyền (Th)Báo cáo của Brand Finance chỉ ra, Việt Nam đang đạt kỳ tích mới khi trở thành quốc gia thuộc nhóm có giá trị thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất thế giới.