Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI 10 tháng đạt 384 tỷ USD
Số liệu Tổng cục Hải quan công bố ngày 20/11 cho thấy, khu vực FDI với vốn đóng góp khoảng 68% trong tổng xuất khẩu của cả nước đã sụt giảm vài chục tỷ USD cả ở chiều xuất khẩu lẫn nhập khẩu.
Cụ thể, trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI 10 tháng/2023 đạt 384 tỷ USD, giảm 10,5%, tương ứng giảm 45 tỷ USD so với cùng kỳ, gồm: xuất khẩu đạt 212,42 tỷ USD, giảm 8,1% tương ứng giảm 18,78 tỷ USD và trị giá nhập khẩu là 171,53 tỷ USD, giảm 13,3% tương ứng giảm 26,37 tỷ USD so với 10 tháng/2022.
Xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước giảm 7,4% so với cùng kỳ, với trị giá là 174,38 tỷ USD (tương ứng giảm 13,96 tỷ USD). Xuất khẩu của khối doanh nghiệp này đạt 79,04 tỷ USD, giảm 4% tương ứng giảm gần 3,26 tỷ USD và nhập khẩu là 95,33 tỷ USD, giảm 10,1% tương ứng giảm 10,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Do doanh nghiệp FDI thống lĩnh chủ yếu trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, nên việc giảm trị giá xuất khẩu của khối này đã tác động mạnh mẽ đến kết quả xuất khẩu của các ngành hàng lớn, nhất là điện thoại, dệt may, giày dép...
10 tháng qua, có tới 8 nhóm hàng trị giá xuất khẩu giảm trên 500 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Đứng đầu là nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 6,24 tỷ USD; tiếp theo là hàng dệt may giảm 4,08 tỷ USD; giày dép các loại giảm 3,68 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 2,82 tỷ USD; gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 2,61 tỷ USD; hàng thủy sản giảm 1,94 tỷ USD; hóa chất giảm 686 triệu USD; sản phẩm từ sắt thép giảm 611 triệu USD.
Điểm sáng xuất khẩu 10 tháng là sự tăng trưởng ấn tượng của một số nhóm hàng. Cụ thể, hàng rau quả tăng thêm 2,08 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 1,66 tỷ USD; gạo tăng hơn 1 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 529 triệu USD và hạt điều tăng 405 triệu USD so với cùng kỳ.
Xuất nhập khẩu hàng hóa trong 10 tháng/2023 của Việt Nam với các khu vực thị trường cũng giảm mạnh so với cùng kỳ.
Số liệu công bố cho thấy, xuất nhập khẩu với châu Á đạt 363,77 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn nhất 65,2% trong tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, giảm 9% (tương ứng giảm 35,89 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là châu Mỹ với 113,19 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 20,3%, giảm 13,8% (tương ứng giảm 18,1 tỷ USD).
Khu vực thị trường châu Âu là 60,76 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 10,9%, giảm 6% (tương ứng giảm 3,88 tỷ USD). Những tháng gần đây, thương mại hàng hóa với châu Âu thu hẹp đà giảm khá nhanh.
Xuất nhập khẩu với châu Đại Dương đạt 13 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 2,3%, giảm 12,9% (tương ứng giảm 1,93 tỷ USD); châu Phi với 7,59 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,4%, tăng 9,2% (tương ứng tăng 641 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Quang Lộc (T/h)Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.