Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng khả quan
Trong khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả 7 tháng vẫn tăng trưởng tích cực đạt hơn 375 tỷ USD trong đó xuất khẩu đạt 186,35 tỷ USD và nhập khẩu đạt 188,76 tỷ USD.
Chỉ tính riêng trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu đạt 27,86 tỷ USD, tăng trưởng 2,4% so với tháng 6. Lũy kế hết tháng 7, xuất khẩu cả nước đạt 186,35 tỷ USD tăng 26,2% so với cùng kỳ 2020.
Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch tháng 7 đạt 29,1 tỷ USD tăng 5,3% so với tháng trước và nâng tổng kim ngạch nhập khẩu trong 7 tháng lên 188,76 tỷ USD tăng 35,8% so với cùng kỳ 2020. Như vậy, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cả 7 tháng đạt hơn 375 tỷ USD.
Sự tăng trưởng nêu trên là rất đáng ghi nhận trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên cả nước, nhất là các trung tâm công nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu lớn như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… Tăng trưởng ấn tượng nhất là điện thoại các loại và linh kiện; dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; sắt thép…
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7 thâm hụt 1,24 tỷ USD. Qua đó, nâng mức thâm hụt trong 7 tháng đầu năm lên 2,4 tỷ USD, ngược lại với con số xuất siêu 8,7 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do trên thế giới khu vực Đông Nam Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm COVID-19 mới gia tăng nhanh chóng tại các quốc gia như Indonesia hay Thái Lan… Trong nước, dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều địa phương là khu vực sản xuất hàng hóa lớn, có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước. Một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ khiến cho gián đoạn quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa; việc thiếu container rỗng và giá cước vận chuyển tăng cao cũng là trở ngại cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong những tháng cuối năm nay.
Đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo như điện tử, dệt may và da giày, cùng với đà hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, và xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu sau dịch bệnh, các doanh nghiệp có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiệp đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất cùng với nguy cơ rủi ro rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn và cần phải có quá trình.
Huyền My (T/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.