Xuất nhập khẩu sắp cán mốc 750 tỷ USD
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/12/2024 đạt 747,13 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng cục Hải quan cho biết, số liệu thống kê sơ bộ mới nhất cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 12/2024 (từ ngày 01/12 đến ngày 15/12/2024) đạt 31,48 tỷ USD, giảm 3,5% (tương ứng giảm 1,16 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 11/2024.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 12/2024 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/12/2024 đạt 747,13 tỷ USD, tăng 14,7% tương ứng tăng 95,98 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2023.
Trong kỳ 1 tháng 12 năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 760 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 23,57 tỷ USD.
Về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 12 năm 2024 đạt 15,36 tỷ USD. Như vậy, tính đến hết 15/12/2024, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 385,35 tỷ USD, tăng 13,9%, tương ứng tăng 46,92 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, một số nhóm hàng tăng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14,38 tỷ USD, tương ứng tăng 26,6%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 8,54 tỷ USD, tương ứng tăng 20,8%; hàng dệt may tăng 3,29 tỷ USD, tương ứng tăng 10,4%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 2,63 tỷ USD, tương ứng tăng 20,6%; giày dép các loại tăng 2,35 tỷ USD, tương ứng tăng 12,21%... so với cùng kỳ năm 2023.
Chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 12 đạt 16,12 tỷ USD. Như vậy, tính đến hết 15/12, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 361,78 tỷ USD tăng 15,7% (tương ứng tăng 49,06 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023.
Các nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 18,05 tỷ USD tương ứng tăng 21,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 6,67 tỷ USD tương ứng tăng 16,8%; sắt thép các loại tăng 2,02 tỷ USD tương ứng tăng 20,2%; kim loại thường tăng 1,76 tỷ USD tương ứng tăng 24%; vải các loại tăng 1,75 tỷ USD tương ứng tăng 14%...
Bộ Công Thương dự báo, trong năm 2025, hoạt động xuất khẩu sẽ có nhiều thuận lợi và dư địa tăng trưởng do lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt, nhu cầu thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục theo làn sóng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương. Bên cạnh đó, sự phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ, EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may.
Mặt khác, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể. Theo đó, Bộ đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 6% so với năm 2024.
Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp như cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất và tìm kiếm đơn hàng.
Bộ Công Thương sẽ thực hiện đồng bộ giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đa dạng hoá thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và thế giới có nhu cầu. Duy trì phát triển các thị trường truyền thống, các mặt hàng truyền thống, tăng cường phát triển các thị trường gần, các mặt hàng tiềm năng mới. Chú trọng hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững.
Minh An (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.