Xuất siêu 28 tỷ USD trong năm 2023, gấp hơn 2 lần 2022
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 355,5 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 327,5 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 28 tỷ USD, gấp 2,2 lần năm 2022.
Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 12, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 63,5 tỷ USD, tăng 5% so với tháng trước và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12 ước đạt 32,9 tỷ USD, tăng 6% so với tháng trước. Lũy kế quý IV, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3% so với quý III.
Tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,5 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2022, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 259,95 tỷ USD, giảm 6%, chiếm 73%.
Trong năm 2023, Việt Nam có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12 ước đạt 30,6 tỷ USD, tăng 4% so với tháng trước. Lũy kế quý IV, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 90,2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6% so với quý III.
Tính chung cả năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 327,5 tỷ USD, giảm 9% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 117,3 tỷ USD, giảm 7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 210,2 tỷ USD, giảm 10%.
Trong năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 44 mặt hàng có trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó 4 mặt hàng đạt 10 tỷ USD.
Tổng cục Thống kêu cho hay, cán cân thương mại hàng hóa tháng 12 ước tính xuất siêu 2,28 tỷ USD. Tính chung cả năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 28 tỷ USD, gấp 2,2 lần năm 2022 (năm 2022 xuất siêu 12,1 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 49,74 tỷ USD.
Với kết quả đạt được trong năm 2023, mục tiêu đặt ra cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 là tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2023; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD.
Để đạt được kết quả này, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các Hiệp định FTA, hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định. Đồng thời, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau, quả khác của Việt Nam…
Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Minh An (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.