Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, qua đó giúp ĐBSCL có thêm nhiều giải pháp để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn một cách hiệu quả, bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa tổ chức Hội nghị “Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
ĐBSCL là vùng kinh tế nông nghiệp cả nước
Là vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng, đóng góp trên 33% GDP nông nghiệp cả nước, ĐBSCL đã đóng góp 56% sản lượng lúa gạo (24,5 triệu tấn), 98% sản lượng cá tra (1,41 triệu tấn) và 60% các loại trái cây cả nước (4,3 triệu tấn), 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực NN-PTNT do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc. Trình độ sản xuất của nông dân còn thấp, năng suất lao động thấp. Cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư chưa đồng bộ, chưa hấp dẫn nhà đầu tư…
Để giải quyết những khó khăn, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích thu hút đầu tư như: Nhà nước cho thuê đất với thời hạn dài, hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, miễn giảm tiền sử dụng đất. Hỗ trợ lãi suất, phí, lệ phí cho các dự án đầu tư vào nông nghiệp và phát triển nông thôn; hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; miễn, giảm thuế cho các dự án đầu tư vào NN-PTNT.
Nhờ những chính sách này, thu hút đầu tư vào lĩnh vực NN-PTNT tại ĐBSCL đã có những chuyển biến tích cực. Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này tại ĐBSCL trong năm 2023 đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022; một số dự án đầu tư lớn: Dự án xây dựng nhà máy chế biến gạo 100.000 tấn/năm tại tỉnh Long An có tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Thực phẩm Đồng An.
Dự án trồng và chế biến trái cây công nghệ cao tại tỉnh Tiền Giang, có tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng, thực hiện bởi Công ty Cổ phần Nông nghiệp Tiên Phong. Dự án nuôi thủy sản công nghệ cao tại tỉnh Cà Mau, tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, thực hiện bởi Công ty Cổ phần Thủy sản Cà Mau.
Các dự án đầu tư này góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, dù Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế chính sách nhưng vẫn chưa thu hút nhiều DN; do việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiềm ẩn nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả đầu vào và đầu ra của hàng hóa nông sản, trong khi đó chính sách về bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai...
Nhiều giải pháp thúc đẩy chính sách trong thu hút đầu tư
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, theo các đại biểu: Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các chính sách thu hút đầu tư; cũng như tiếp tục khắc phục những hạn chế của Vùng. Cải thiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thành phố đang xúc tiến xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Trung tâm sẽ khuyến khích hình thành mô hình liên kết giữa nông dân với Doanh nghiệp để thiết lập mối quan hệ giữa nơi sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa…
Bên cạnh đó, Cần Thơ sẽ triển khai các chính sách ưu đãi cho Dự án của doanh nghiệp đầu tư tại Trung tâm như: được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất; sau thời gian miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản, được miễn tiền thuê đất 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 7 năm tiếp theo.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, các doanh nghiệp tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Ngoài ra, còn dư địa lớn ở lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, nhất là tận dụng môi trường nuôi ven biển; và dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Các doanh nghiệp có thể đầu tư vào dịch vụ phục ngành nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi nhằm giảm giá thành cho chuỗi sản xuất, chăn nuôi.
Các nhà đầu tư cũng có thể khai thác, tái tạo các phụ phẩm từ nông nghiệp; phụ phẩm từ cá tra, tôm, lúa và trái cây. Đặc biệt, Bộ NN-PTNT mời gọi doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào logistics nông sản. Hiện dịch vụ logistics phục vụ cho ngành nông nghiệp tập trung vào đối tượng nuôi, còn dịch vụ cung cấp chưa được đầu tư căn bản.
Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ Đề án "Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050", trong đó tập trung vào 3 trung tâm logistics lớn: Trung tâm logistics ở vùng nguyên liệu đảm bảo kho chứa hàng, nguyên liệu, dịch vụ tư vấn kỹ thuật giúp nông dân; trung tâm logistics ở các thành phố lớn vừa làm chức năng chế biến sâu, vừa đảm bảo xuất khẩu; trung tâm logistics ở các cửa khẩu, phục vụ chủ yếu trữ hàng để xuất khẩu. Những dịch vụ từ các trung tâm logistics được kỳ vọng sẽ giảm chi phí sản xuất, tăng thu cho doanh nghiệp và nông dân.
Đối với các nhà đầu tư, ông David Whitehead, Chủ tịch Tập đoàn Mavin, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam mong chính quyền các địa phương tìm hiểu, tôn trọng nhu cầu cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài… Các tỉnh, thành nên hướng dẫn rõ ràng về quy trình xin giấy phép đầu tư, giấy phép chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy phép khác; thời gian chi tiết để xây dựng quy trình và lập kế hoạch đầu tư; đầu mối liên hệ để giải quyết vấn đề đầu tư từ nước ngoài; giảm thiểu sự chậm trễ trong giải quyết công việc.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Bồ Đề cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp, Bộ NN-PTNT cũng như các bộ liên quan và các địa phương cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án mời đầu tư, các chính sách ưu đãi đặc biệt, đặc thù có tính chất dài hạn.
Để lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về định hướng của Bộ trong xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực NN-PTNT thời gian tới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh, thay vì chạy theo số lượng, ngành Nông nghiệp chuyển hướng đầu tư nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số, do vậy Bộ NN-PTNT đang xây dựng Nghị định về cơ giới hóa đồng bộ trong ngành nông nghiệp; Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL; Đề án phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050; Đề án kinh tế trang trại...
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương, doanh nghiệp chung tay cùng Nhà nước thực hiện các định hướng trên; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt đào tạo lực lượng nông dân chuyên nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm tham gia thị trường quốc tế.
Bên cạnh, Bộ cũng đang xây dựng hệ thống cán bộ khuyến nông cộng đồng. Lực lượng này vừa chuyển giao mô hình sản xuất tiên tiến cho nông dân vừa tham gia kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp, điều phối thị trường; góp phần cùng doanh nghiệp thực hiện đầu tư theo chuỗi tạo ra sản phẩm có giá trị và hình thành mối quan hệ, liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân.
Đan PhượngTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.