Xúc tiến xuất khẩu xanh thúc đẩy phát triển bền vững
Sáng 4/12, Bộ Công Thương phối hợp với Chính phủ Thụy Sĩ tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 tại Hà Nội với chủ đề "Xúc tiến xuất khẩu xanh".
Phát triển xanh không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực để tạo nên một nền kinh tế hiện đại, bền vững, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu, bảo vệ môi trường, và nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chuyển đổi xanh không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro bị loại khỏi các thị trường xuất khẩu quan trọng mà còn mở ra cơ hội xây dựng thương hiệu bền vững, gia tăng giá trị sản phẩm, và tiếp cận phân khúc khách hàng cao cấp. Đây chính là chiến lược để Việt Nam củng cố vị thế trong chuỗi giá trị quốc tế, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.
Nhằm cụ thể hóa các định hướng này, Bộ Công Thương phối hợp với Chính phủ Thụy Sĩ tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2024 tại Hà Nội với chủ đề "Xúc tiến xuất khẩu xanh". Diễn đàn quy tụ hơn 300 đại biểu gồm lãnh đạo Bộ, ngành, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia hàng đầu trong chuỗi giá trị xuất khẩu.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, phát triển bền vững là xu thế tất yếu và là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của các quốc gia. Trong đó, tăng trưởng xanh và bền vững chính là chìa khóa giúp Việt Nam duy trì năng lực cạnh tranh, nâng cao vị thế quốc gia và hiện thực hóa các cam kết toàn cầu về phát triển bền vững.
Thứ trưởng khẳng định, việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu của Việt Nam thích ứng hiệu quả với những tiêu chuẩn bền vững là sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam, không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Bên cạnh đó, sự chuyển đổi này đòi hỏi một chiến lược đồng bộ, bao gồm từ định hướng của Chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, sự chủ động của doanh nghiệp trong đầu tư thực hiện các giải pháp chuyển đổi xanh và tinh thần hợp tác đồng hành của các bên liên quan.
Đồng quan điểm trong lĩnh vực phát triển xanh, Phó Trưởng ban Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam Andri Meier đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc chuyển đổi xanh. Ông khẳng định, Thụy Sĩ luôn đặt tính bền vững làm trọng tâm trong các chính sách thương mại, kinh tế và các chương trình hợp tác quốc tế. Thụy Sĩ cam kết hỗ trợ Việt Nam trên hành trình đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Giai đoạn 2025-2028, Thụy Sĩ sẽ tập trung thúc đẩy thương mại và đổi mới bền vững, kết hợp tài chính công và tư nhân để đảm bảo tính bền vững, và đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị thông minh theo hướng thân thiện với khí hậu. Những định hướng này không chỉ nhằm hỗ trợ Việt Nam đáp ứng các mục tiêu toàn cầu mà còn góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng dài hạn.
Tại diễn đàn, các chuyên gia và doanh nghiệp cùng thảo luận về những giải pháp thực tiễn, từ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ xanh trong logistics đến phát triển chuỗi cung ứng bền vững. Những sáng kiến này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức của tiêu chuẩn xanh quốc tế mà còn mở ra hướng đi mới trong việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu, định hình chiến lược phát triển phù hợp với xu thế toàn cầu.
Nhật MaiNhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân bắt đầu tăng dần. Không chỉ các ngân hàng thương mại, mà nhiều công ty tài chính cũng đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn, tiêu dùng của khách hàng dịp cuối năm.