Xung đột cực nóng giữa Nga và Ukraine đẩy giá phân bón tăng vọt
Giá các loại phân bón chủ lực đang tăng vọt do lo ngại việc Nga tấn công Ukraine sẽ cắt giảm và gián đoạn nguồn cung toàn cầu.
Ngay sau khi Nga tiến quân vào Ukraine, giá phân đạm urê trên thị trường hàng hóa New Orleans đã tăng 25%, đạt mức 700 USD/tấn so với 560 USD/tấn hồi đầu tuần.
Năm 2021, Nga là nước xuất khẩu các sản phẩm nitơ lớn nhất thế giới. Với diễn biến mới, nguy cơ gián đoạn hàng hóa xuất hiện do chi phí sản xuất phân bón vốn đã tăng cao bắt nguồn từ giá khí đốt tự nhiên tăng cao ở khắp châu Âu từ năm ngoái, khiến một số nhà máy đã buộc phải tạm dừng hoặc cắt giảm sản lượng.
Ngoài ra, sự gia tăng đột biến đối với các loại vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chất dinh dưỡng tiếp tục làm dấy lên những lo ngại mới về lạm phát lương thực gia tăng khi giá lương thực thực phẩm leo thang do giá cây trồng tăng cao.
Kho dự trữ phân bón tại vùng Cherepovets, Nga.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến cổ phiếu của nhà sản xuất phân đạm hàng đầu thế giới là CF Industries Holdings Inc tăng lên mức kỷ lục, và đe dọa làm gián đoạn nguồn cung phân bón cho cây trồng trên toàn cầu.
Nhà phân tích Alexis Maxwell thuộc hãng Green Markets cho biết, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ tiếp tục áp đặt thêm "các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc" đối với Nga sẽ khiến cho tình hình thêm ảm đạm.
"Lượng phân bón xuất khẩu giảm sẽ thắt chặt cán cân ở các thị trường nông sản Bắc bán cầu, vì mùa tiêu thụ chính ở đây bắt đầu vào quý 2, đồng thời mang lại lợi ích cho các công ty phân bón ở Bắc Mỹ như CF Industries, Mosaic và Nutrien", ông Maxwell nói.
Giá cổ phiếu của CF Industries, trụ sở tại Deerfield, bang Illinois hôm qua đã tăng 7,2% lên 79,81 USD. Trong khi cổ phiếu của Mosaic Co, một "ông lớn" phân bón khác cũng chứng kiến mức tăng tới 6,4%, và Nutrien Ltd tăng tới 4,2% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (24/2).
Trước đó, Nga đã có động thái cấm xuất khẩu Ammonium nitrate từ ngày 2/2 đến ngày 1/4/2022. Đây là một trong những chất hoá học được sử dụng phổ biến nhất trong sản xuất phân bón, đặc biệt là các loại phân đạm. Sản lượng Ammonium nitrate trên toàn cầu hiện đạt 20 triệu tấn/năm, trong đó, 75% nguồn cung đến từ Nga.
Giá khí amoniac, nguyên liệu chính để sản xuất Ammonium nitrate, đã tăng hơn 5 lần kể từ hồi tháng 10/2020 đến nay. Điều này đã đẩy giá Ammonium nitrate tăng vọt, kéo theo đó là giá các loại phân đạm được sản xuất từ Ammonium nitrate trên toàn cầu. Giá phân đạm tăng mạnh đã khiến nông dân tại nhiều quốc gia cân nhắc việc canh tác các loại nông sản vốn sử dụng nhiều phân đạm như ngô và lúa mì.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga cho biết "Nhu cầu sử dụng Ammonium nitrate đã tăng lên trên thị trường nội địa (Nga), trong cả lĩnh vực nông nghiệp lẫn lĩnh vực công nghiệp".
Các doanh nghiệp sản xuất và phân bón trên toàn cầu hiện theo dõi sát các động thái của Nga nhằm xác định giá phân bón. Hồi tháng 12/2021, Nga đã áp dụng các biện pháp giới hạn xuất khẩu phân đạm, kéo dài cho đến tháng 6/2022 nhằm đảm bảo nguồn cung phân bón trên thị trường nội địa. Nga hiện là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới trong năm 2020, chiếm 12,7% tổng lượng phân bón được xuất khẩu trên toàn cầu.
Thêm vào đó, Trung Quốc - quốc gia xuất khẩu phân bón lớn thứ hai thế giới đã ngưng đáng kể việc xuất khẩu 29 loại phân bón, bao gồm phân Urea, DAP, MAP, NPK, NP/NPS, MOP, SOP, Ammonium Chloride và Ammonium Nitrate kể từ ngày 15/10/2021 nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa khi hoạt động sản xuất phân bón tại nước này gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt năng lượng và chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Tham khảo: Bloomberg
Khánh VyBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.