Xung quanh đề xuất người có bằng lái ô tô dưới 1 năm không được chạy quá 60km/h
Sở GTVT TP.HCM vừa đề nghị Bộ GTVT xem xét quy định người có bằng lái ô tô dưới 1 năm (kể từ ngày cấp lần đầu) không chạy quá 60km/h, không chạy xe trên cao tốc. Đề xuất này ngay lập tức gây chú ý và được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội với nhiều bình luận trái chiều.
Đây là một trong những nội dung được Sở GTVT TP.HCM gửi Bộ GTVT ngày 31/12/2021, góp ý kiến đối với Dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 về đào tạo, sát hạch, giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và Thông tư số 38/2019/ TT-BGTVT ngày 8/10/2019 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12.
Lý do, theo Sở Giao thông vận tải TP. HCM là nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, hạn chế tai nạn xảy ra, đặc biệt là đối với những người mới được cấp giấy phép lái xe.
Góp ý quy định về hồ sơ người học lái xe, Sở Giao thông vận tải đề nghị bổ sung quy định về ảnh chân dung của người lái xe trên giấy phép lái xe, tương tự các quy định về ảnh chân dung của công dân trên căn cước công dân. Lý do, giấy phép lái xe hiện nay là một loại giấy tờ cá nhân có thể thay thế căn cước công dân trong một số hoạt động xã hội. Do vậy, việc sử dụng hình ảnh rõ ràng, đảm bảo tính nhận diện trên giấy phép lái xe là cần thiết.
Ngoài ra, để hạn chế những khó khăn khi cấp giấp phép lái ôtô cho người khuyết tật, Sở GTVT TP HCM cũng đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu về nội dung đăng kiểm xe; đề nghị Bộ Y tế chi tiết hóa điều kiện sức khỏe đối với một số trường hợp khuyết tật đặc thù để cấp giấy phép lái ôtô cho nhóm đối tượng này.
Đối với hình thức đào tạo cấp giấy phép lái xe, Sở GTVT TP HCM đề xuất cho phép tổ chức đào tạo các môn học lý thuyết theo hình thức đào tạo từ xa hoặc tự học có hướng dẫn đối với các môn lý thuyết. Đồng thời, xem xét giảm thời lượng các môn học lý thuyết, tập trung đào tạo kỹ năng thực tế điều khiển phương tiện.
Tuy nhiên đề xuất này ngay lập tức gây chú ý và được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội với nhiều bình luận trái chiều.
Nhiều độc giả cho rằng đề xuất không cho người có bằng lái ô tô dưới 1 năm (kể từ ngày cấp lần đầu) lái xe vượt quá 60km/h và không được lái xe vào cao tốc là vô lý. Bởi khi đã có bằng lái xe tức đã vượt qua hàng loạt bài thi từ lý thuyết tới thực hành đạt chuẩn, đặc biệt trong phần thi bằng lái ngoài bài thi sa hình còn có cả bài thi lái xe đường trường.
Giám đốc một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe tại quận 12 (TP HCM) đánh giá đề xuất này có phần "cảm tính" và khó khả thi. Hiện, những người khi bắt đầu có giấy phép lái xe đều được quyền chạy trên đường, tuỳ theo quy định về tốc độ, loại hình phương tiện, phương án tổ chức giao thông trên tuyến... Vì vậy, đề xuất trên nếu áp dụng sẽ ảnh hưởng quyền lợi nhiều người, chưa kể cần các quy trình để có hành lang pháp lý.
Mặt khác, lãnh đạo trung tâm trên cũng cho rằng mục đích của đề xuất nhằm hạn chế tai nạn. Điều này được hiểu người mới có giấy phép lái xe trong vòng một năm chưa có nhiều kinh nghiệm so với những người được cấp bằng lâu hơn là chưa đủ cơ sở.
"Nhiều trường hợp có bằng lái 4-5 năm nhưng hiếm khi đi đường cao tốc, thậm chí chưa đi bao giờ. Vì vậy không thể chắc chắn những người này kinh nghiệm nhiều hơn người có bằng một năm", giám đốc trung tâm nói và cho biết hiện chương trình đào tạo lái xe không bắt buộc dạy trên đường cao tốc, nên có thể bổ sung quy định này để khả thi hơn với mục đích của Sở Giao thông Vận tải.
Trong khi đó, nhiều độc giả lại tỏ ra thận trọng và cho rằng hiện rất nhiều người tuy có bằng lái ô tô rồi nhưng khả năng lái trên đường rất kém, thậm chí có cả những trường hợp "vì lý do này kia để có bằng". Những trường hợp này khi tham gia giao thông sẽ gây nguy hiểm cho người khác.
"Tôi thấy đề xuất kia cũng hợp lý, vì thực tế chứng minh rất nhiều người tuy có bằng nhưng khả năng lái xe trên đường rất kém, có người còn "mua" cả bằng. Cho nên, để đảm bảo an toàn chung, vẫn nên có biện pháp cụ thể. Rồi sau này qua 1 năm thực chiến, lái tốt rồi thì lại đi thoải mái thôi", độc giả Quang Tiến nêu quan điểm.
HM (T/h)Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.