Xưởng sản xuất có nhiều sai phạm, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động

Địa phương
12:07 PM 29/09/2021

Xưởng sản xuất chiếu nhựa không phép hoạt động từ năm 2018 đến nay nhưng vẫn chưa bị cơ quan chức năng xử lý triệt để khiến người dân địa phương bức xúc.

Vừa qua, phóng viên (PV) Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị nhận được phản ánh của người dân tại xã Cộng Hoà, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình về việc xưởng tái chế nhựa và sản xuất chiếu nhựa trái phép, có thể gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. 

Theo tìm hiểu của PV, xưởng sản xuất trên, thuộc sở hữu của ông Nguyễn Hạnh Sơn (địa chỉ tại thôn Quan Hà, xã Cộng Hoà), xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2018 đến nay, thậm chí còn được ông Sơn mở rộng thêm nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý triệt để.

Nhà xưởng mới được xây dựng kiên cố với máy móc ngổn ngang bên trong sẵn sàng sản xuất bất cứ lúc nào.

"Năm 2018, họ xây dựng một khu nhà xưởng diện tích khoảng 200 m2 và đi vào hoạt động tái chế nhựa. Đến tháng 4/2021, họ bắt đầu xây dựng thêm xưởng thứ hai với diện tích khoảng 700 m2 và cuối tháng 6 đi vào hoạt động sản xuất chiếu nhựa. Thế nhưng đến nay vẫn chưa bị cơ quan chức năng xử lý...", ông T.T.C người dân ở đó cho biết.

Có mặt tại địa phương để tìm hiểu thực tế, PV nhận thấy, một phần nhà xưởng nằm sát mép đê, toàn bộ phần nhà xưởng được lợp mái tôn kiên cố, xung quanh được là diện tích đất trồng ổi và chuối nên từ trên đê nhìn xuống rất khó phát hiện.

Trước sự việc trên, PV đã có buổi làm việc với ông Tô Văn Tịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết: "Thực tế việc sử dụng đất trái mục đích và xây dựng nhà xưởng diễn ra từ năm 2018, Phòng Tài nguyên Môi trường và Hạt quản lý đê điều huyện đã về làm việc và lập biên bản từ năm đó. Tôi có nắm được sự việc nhưng do mới nhận nhiệm vụ công tác nên chưa được bàn giao cụ thể vụ việc. Về phía huyện cũng đã nắm được nên chúng tôi chưa có báo cáo bằng văn bản, hiện nay do đang xảy ra tranh chấp nên đã ngừng hoạt động. Hơn nữa đến nay xã cũng chưa nhận được ý kiến phản ánh của người dân nào về vấn đề này".

Để làm rõ xưởng có đang hoạt động hay không, PV đã mời vị Phó Chủ tịch xã cùng đi thực tế. Tại hiện trường, xưởng sản xuất ngổn ngang máy móc và có dấu hiệu vừa ngừng sản xuất cách đó ít phút. 

PV cũng đã trao đổi qua điện thoại với ông Lê Minh Thoan - Chủ tịch UBND xã Cộng Hoà, ông Thoan cho biết: "Phần nhà xưởng trên được xây dựng từ năm 2018. Đầu năm 2021, ông Sơn xây dựng thêm một xưởng mới cũng như các thủ tục cấp phép thì tôi không nắm được". 

Một số biên bản do Hạt quản lý đê điều- chi cục Thủy lợi lập đối với ông Nguyễn Hạnh Sơn từ năm 2018.

Khi được hỏi về các thủ tục xác nhận của địa phương về việc cấp điện cho xưởng hoạt động thì ông Thoan cho biết, xã không xác nhận bất cứ giấy tờ gì cho xưởng của ông Sơn vì chưa có giấy phép hoạt động. 

Thế nhưng tại Văn bản số 2450/PCTB-KD trả lời PV của Công ty Điện lực Thái Bình lại khẳng định: "Hồ sơ đề nghị mua điện sử dụng mục đích ngoài sinh hoạt của ông Nguyễn Hạnh Sơn (xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà) có đầy đủ, đúng theo quy định", trong đó có "Giấy xác nhận của UBND xã Cộng Hoà với nội dung: "Ông Nguyễn Hạnh Sơn - làm thêm nghề phụ là ép hạt nhựa, có đăng ký mua điện của Điện lực hưng Hà tại thôn Vũ Thôn, xã Cộng Hòa huyện Hưng Hà" (?).

Tại thời điểm PV có mặt tại thôn Quan Hà, PV cũng quan sát thấy rằng có 2 đường dây điện mắc qua đê nối vào xưởng cũ và xưởng mới để cấp điện cho 2 xưởng này hoạt động.

Xưởng sản xuất chiếu nhựa chưa được cấp phép, vi phạm nghiêm trọng các quy định về môi trường, đất đai... đã hoạt động một thời gian dài mà chính quyền địa phương vẫn "lúng túng" trong việc xử lý đang khiến dư luận tại địa phương khá bức xúc.

Liên quan đến sự việc trên, PV đã yêu cầu tiếp cận với hồ sơ đấu nối điện của ông Nguyễn Hạnh Sơn tại Công ty Điện lực Thái Bình, đồng thời liên hệ làm việc với UNBD huyện Hưng Hà. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong bài tiếp theo.

PV
Ý kiến của bạn
Việt Nam là quốc gia có GDP cao nhất khu vực ASEAN-6 Việt Nam là quốc gia có GDP cao nhất khu vực ASEAN-6

Quý III/2024, Việt Nam là quốc gia có tăng trưởng kinh tế (GDP) cao nhất khu vực ASEAN-6 (bao gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) với mức tăng 7,4%.