Ý nghĩa của hạn sử dụng trên bao bì thực phẩm
Trên các bao bì thực phẩm thường in hạn sử dụng để người tiêu dùng biết được thời gian sản phẩm có thể giữ được chất lượng và an toàn. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng ý nghĩa của hạn sử dụng được in trên bao bì sản phẩm.
Hiện nay, đối với sản phẩm chế biến bao gói sẵn được sản xuất trong nước và nhập khẩu, có nhiều cách ghi hạn sử dụng sản phẩm khác nhau, do đó người tiêu dùng cần có thông tin để hiểu về cách ghi hạn sử dụng của các sản phẩm thực phẩm để có thể sử dụng đúng cách tránh các hiểu lầm về hạn sử dụng sản phẩm và gây lãng phí thực phẩm.
Hiểu đúng về hạn sử dụng
Thời hạn sử dụng thực phẩm được định nghĩa là “thời hạn mà thực phẩm vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng và bảo đảm an toàn trong điều kiện bảo quản được ghi trên nhãn”. Hạn sử dụng thực phẩm sẽ đưa ra hướng dẫn về thời gian của thực phẩm cho người tiêu dùng; thời gian sản phẩm có thể giữ được chất lượng và an toàn trước khi bắt đầu hư hỏng và có thể trở nên không an toàn.
Theo Luật An toàn thực phẩm 2010, quy định về hạn sử dụng của thực phẩm và thời gian ghi nhãn của thực phẩm như sau:
1. Hạn sử dụng an toàn bắt buộc phải ghi “Hạn sử dụng”, hoặc “Sử dụng đến ngày” đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm tăng cường vi chất và những thực phẩm dễ có khả năng bị hư hỏng do vi sinh vật. Hạn sử dụng an toàn đối với các thực phẩm khác có thể ghi “Sử dụng tốt nhất trước ngày” phù hợp với loại sản phẩm thực phẩm.
2. Đối với thực phẩm ghi “Hạn sử dụng” hoặc “Sử dụng đến ngày” thì không được phép bán ra thị trường khi đã quá thời hạn này.
3. Đối với thực phẩm ghi “Sử dụng tốt nhất trước ngày” thì sau thời điểm này thực phẩm vẫn được phép bán trên thị trường nếu nhà sản xuất chứng minh được thực phẩm đó an toàn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải ghi hạn sử dụng rõ ràng theo một trong hai hình thức “Hạn sử dụng”, hoặc “Sử dụng đến ngày”. Chỉ nhà sản xuất thực phẩm mới được kéo dài hạn sử dụng cho sản phẩm thực phẩm của mình và hạn sử dụng kéo dài tối đa chỉ bằng hạn sử dụng đã quy định lần đầu tiên.
Nếu gom ba cách ghi trên về hạn sử dụng được các nước trên thế giới sử dụng phổ biến là “sử dụng đến ngày” (use by date) và “sử dụng tốt nhất trước ngày” (best before date). Các nhà cung cấp thực phẩm phải chịu trách nhiệm pháp lý với việc ghi hạn sử dụng.
Một số kí hiệu về hạn sử dụng và ý nghĩa của chúng
Bất kỳ đầu bếp hay người tiêu dùng nào khi sử dụng thực phẩm đều lưu ý đến hạn sử dụng (HSD) – mốc thời gian cụ thể hiển thị trên bao bì sản phẩm. Tuy nhiên, kèm theo những con số về ngày/ tháng/ năm thì tồn tại không ít những ký hiệu chữ như “use by day”, “best before”, “expiry date”… quy định chi tiết hơn về thời hạn sử dụng từng loại thực phẩm chuyên biệt nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất. Sử dụng những thực phẩm quá hạn sử dụng tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người, gây ngộ độc hoặc ẩn chứa mầm bệnh, nhất là những thực phẩm đã bị bốc mùi, ẩm mốc.
UBD/UB (Use By Date)
Cụm từ “use by date - UB/UBD” thường được in trên bao bì của các loại thực phẩm tươi sống, có HSD ngắn và dễ hư hỏng như rau quả, sữa, cá hay thịt, pho mát mềm… Cụ thể, UB chỉ thời hạn sử dụng an toàn của thực phẩm hơn là chất lượng của nó, con số in trên bao bì đựng thực phẩm kèm thêm dòng chữ use by date khuyến cáo bạn không nên sử dụng (chế biến, ăn hay uống) các loại thực phẩm này kể từ sau ngày được ghi trên đó.
Bán những sản phẩm quá hạn UB cũng thuộc nhóm hành vi phạm pháp. Do đó, tốt nhất nhà cung cấp, đại lý vẫn nên vứt bỏ những sản phẩm đã qua mất ngày UB để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng và thương hiệu, uy tín của nhãn hàng.
BB (Best Before/Best Before Date)
Cụm từ “best before”/ “best before date – BB” thường được in trên bao bì các sản phẩm có thể bảo quản được lâu hơn như đồ hộp, đồ uống lạnh, thức ăn khô như bánh quy, ngũ cốc, trứng, sữa chua, nước sốt… nhằm ám chỉ đến cả chất lượng của thực phẩm hơn là độ an toàn của nó.
Cụ thể, các loại thực phẩm sẽ có chất lượng sử dụng tốt nhất khi được dùng trước ngày ghi trên bao bì có kèm ký hiệu này – BB. Tuy nhiên, vẫn có thể sử dụng được nếu để quá ngày nhưng độ ngon và giá trị dinh dưỡng sẽ giảm dần.
Sau thời gian quy định, nhà sản xuất vẫn được phép bán sản phẩm ra thị trường và không vi phạm pháp luật nếu chứng minh được độ an toàn của nó. Tất nhiên, trên bao bì sản phẩm phải ghi rõ hạn sử dụng đến ngày nào.
EXP (Expiry Date)
Cụm từ “expiry date” hay “EXP” thường dùng cho những mặt hàng là các thực phẩm chức năng, đồ hộp, bánh quy đóng hộp… ám chỉ ngày được in trên bao bì sản phẩm chính là ngày mà sản phẩm đó thực sự hết hạn.
Khi bao bì sản phẩm xuất hiện chữ Expiry date/EXP (hay ngày hết hạn), nghĩa là quá ngày đó sản phẩm sẽ không còn chất dinh dưỡng hoặc đã hết tác dụng (đối với thuốc). Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, các chuyên gia luôn khuyến cáo không nên sử dụng bất kỳ mặt hàng nào quá HSD in trên bao bì.
Ngoài ra, người tiêu dùng cần lưu ý về điều kiện bảo quản được yêu cầu của nhà sản xuất để giữ được chất lượng và an toàn của thực phẩm đến ngày “sử dụng tốt nhất” hay “sử dụng đến ngày”. Các thông tin này nhà cung cấp phải ghi trên nhãn, ví dụ: “yogurt cần được bảo quản trong tủ lạnh”.
Hạn sử dụng thực phẩm còn phụ thuộc vào điều kiện bảo quản có đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, như sữa chua cần bảo quản lạnh, đồ hộp bảo quản trong môi trường nhiệt độ phòng, đảm bảo thông thoáng, đồng thời còn bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố khác có thể tác động làm sản phẩm thực phẩm hư hỏng sớm hơn thời gian sử dụng nhà sản xuất công bố. Bên cạnh việc xem xét về hạn sử dụng trước khi mua hoặc sử dụng, người tiêu dùng cần lưu ý đánh giá cảm quan bên ngoài về bao bì, mùi vị, màu sắc của sản phẩm xem có gì bất thường trước khi mua và trước khi sử dụng.
Khánh GiangCác nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.