Yên Bái: Đặc sắc nghi thức lễ rước Mẫu sang sông
Sáng 2/2/ (tức 12 tháng Giêng năm Quý Mão), tại Quần thể di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Đền Đông Cuông, thuộc thôn Bến Đền, xã Đông Cuông đã diễn ra nghi lễ rước Mẫu sang sông. Đây là một trong những lễ chính được mong chờ nhất trong Lễ hội đền Đông Cuông truyền thống hàng năm và đặc biệt được tổ chức sau 5 năm gián đoạn.
Đúng 8 giờ sáng, Lễ rước Mẫu qua sông được tiến hành tuần tự theo đúng nghi thức truyền thống trang nghiêm nhất của nhà đền. Thầy Mo và những người giúp việc trong trang phục truyền thống của người Tày Khao làm thủ tục sửa soạn những vật dụng cần thiết cho Mẫu. Sau đó tiến hành Lễ rước kiệu Mẫu (vua mẹ) từ Đền chính qua sông sang Miếu Đức Ông (Miếu Ghềnh Ngai) thăm Đức Ông, kiệu "Ông Báo" (vua con) đi tiếp sau kiệu Mẫu (vua mẹ).
Lễ rước Mẫu sang sông thu hút hàng nghìn người dân tham gia.
Khi tượng Mẫu đã sang tới Miếu Ghềnh Ngai thăm Đức Ông thì các thầy cúng làm thủ tục tế lễ. Sau đó, tượng Mẫu lại được rước quay về Đền chính vào đúng 10 giờ và cũng là lúc bắt đầu chính thức Lễ dâng hương tế Mẫu.
Theo quan niệm của đồng bào Tày xã Đông Cuông và các vùng lân cận, nghi lễ rước Mẫu là hình thức tái hiện lễ cưới lại "của Mẫu với Đức Ông" mà hậu duệ họ Hà phải tổ chức.
Sau Nghi lễ rước Mẫu sang sông là nghi lễ cúng chính tiệc truyền thống do ông Thủ từ và các đại biểu thực hiện tại Đền chính - Đền Đông Cuông. Tại Đền chính, hàng ngàn du khách thập phương và nhân dân trong vùng lần lượt dâng hương, cầu mong những điều may mắn, hạnh phúc sẽ đến với gia đình, người thân, bạn bè trong cả năm.
Kết thúc phần lễ, nhân dân và du khách sẽ cùng tham gia phần hội với các hoạt động thi đấu thể thao, trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co, vật dân tộc, đu tiên, bịt mắt bắt vịt, ném còn… góp phần làm cho không khí Lễ hội thêm tưng bừng, náo nức.
Thu Hường
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.