Yên Bái: Đồng hành cùng người dân trên mỗi tuyến đường
Với mong muốn vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa đem tới hạ tầng giao thông hoàn thiện, ngành giao thông tỉnh Yên Bái không ngừng triển khai kế hoạch tuần tra, quản lý và phổ biến pháp luật.
Học sinh Trường Tiểu học và THCS xã Vĩnh Kiên,
huyện Yên Bình nhận mũ bảo hiểm do Sở GTVT Yên Bái trao tặng.
Căng mình hoàn thành nhiệm vụ
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Yên Bái, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn chưa xảy ra các vụ va chạm, tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến vận tải hành khách. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhu cầu đi lại của người dân cũng có phần giảm so với hơn 1 tháng trước đó.
Trước đó, tại thời điểm cận Tết Nguyên đán năm 2019, mật độ phương tiện tăng cao, tình trạng tranh giành khách, phóng nhanh vượt ẩu thường xảy ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Do vậy, công tác bảo đảm an toàn giao thông và chủ động phương án tăng chuyến, tăng xe đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân luôn được các cấp, ngành chức năng và đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh Yên Bái quan tâm triển khai.
Trên cơ sở dự báo tình hình, nhu cầu vận tải, cơ quan chức năng đã xây dựng kế hoạch, triển khai các phương án phục vụ người dân. Ông Nguyễn Quang Bình - Phó Chánh Thanh tra giao thông, Sở GTVT tỉnh Yên Bái cho biết: Lực lượng đã triển khai tổng kiểm tra các hoạt động vận tải hành khách bằng đường bộ, đường thủy. Trong đó, đơn vị tập trung kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện chở khách và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về tốc độ, hành trình hoạt động, tăng giá vé, chở quá số người quy định. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tập trung tại các cảng, bến thủy nội địa để tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý các vi phạm phát sinh.
Theo sự chỉ đạo, hướng dẫn từ cán bộ Sở GTVT, các đơn vị đều có phương án tổ chức vận tải hợp lý trên cơ sở quay vòng, tăng chuyến trong thời gian phục vụ Tết; phân công cán bộ trực cao điểm, theo dõi thiết bị giám sát hành trình để kịp thời chấn chỉnh vi phạm. Đặc biệt, các đơn vị vận tải chủ động phối hợp để điều chỉnh tăng chuyến khi cần thiết, chuyển tải khách từ những xe bị xử lý hạ tải, sự cố kỹ thuật không để khách phải chờ đợi lâu hoặc lỡ chuyến.
Cùng với đó, Sở GTVT tỉnh cũng chỉ đạo các bến xe trước khi cho phương tiện xuất bến phải kiểm tra thủ tục vận tải, chất lượng phương tiện và điều kiện người lái, người phục vụ trên xe. Trong hoạt động vận chuyển khách thì nghiêm cấm không được đỗ trước cửa bến để đón trả khách không đúng quy định, gây mất trật tự vận tải trong ngày Tết.
Chia sẻ với PV, đại diện Sở GTVT tỉnh Yên Bái cho biết, ngay từ đầu năm 2020, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, triển khai tuần tra, kiểm soát. Từ đó kịp thời xử lý các trường hợp xe dù, đón trả khách sai quy định, phóng nhanh vượt ẩu, …
Nhờ có chủ động, phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông nên chất lượng dịch vụ vận tải trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên; tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông đều giảm.
Sở cũng tiếp tục mở thêm các tuyến xe buýt mới. Dự kiến đến năm 2030, Yên Bái sẽ có hệ thống xe buýt hoàn chỉnh, nối thành phố Yên Bái tới các đô thị lân cận, giữa các đô thị gần nhau và tới một số khu du lịch, cùng các tỉnh lân cận.
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn kỹ thuật trên các phương tiện chở khách
Gieo mầm ý thức
Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), thời gian qua, Sở GTVT đã tích cực triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nên đạt nhiều kết quả cao.
Hàng năm, Sở GTVT đã thực hiện tuyên truyền, PBGDPL bằng nhiều hình thức như: treo băng rôn, khẩu hiệu; tổ chức tuyên truyền lồng ghép vào các hội nghị giao ban; đăng tin, bài trên trang thông tin điện tử của Sở...
Để công tác tuyên truyền, PBGDPL ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu, Sở thường xuyên phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về trật tự giao thông và tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật cho người dân trên cả hai lĩnh vực đường bộ và đường thủy nội địa.
Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông trong các nhà trường; phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á thực hiện dự án tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho trẻ em; phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam tặng dụng cụ nổi, cặp phao, áo phao cho người dân các huyện: Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình.
Dự kiến thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền PBGDPL thông qua việc tạo điều kiện cho cán bộ của Sở được tham gia đầy đủ các buổi bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật do ngành chức năng của tỉnh tổ chức; duy trì thực hiện tốt tủ sách pháp luật; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền PBGDPL cho nhân dân; phối hợp với các ngành chức năng thực hiện tuyên truyền quy định pháp luật về ATGT và tặng mũ bảo hiểm cho học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng chức năng bảo vệ an toàn cho người dân.
Đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu
Bên cạnh việc quản lý trật tự an toàn giao thông, cán bộ ngành còn tích cực hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Cụ thể, trong năm 2019, Cầu Yên Bái từng được coi là biểu tượng, là trung tâm của TP Yên Bái đã được sửa chữa do bề mặt cầu bị hư hỏng, gây khó khăn cho người đi lại.
Được biết, lần sửa chữa bề mặt cầu Yên Bái lần này là theo kế hoạch sửa chữa đường bộ năm 2019 trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Các nhà thầu phải thi công các hạng mục như: Cào bóc toàn lớp bê tông nhựa; lớp bê tông xi măng tạo dốc mặt cầu cũ làm lại mới lớp tạo dốc mặt cầu bằng bê tông xi măng và thảm bê tông nhựa; thay thế khe co giãn. Lần sửa chữa mặt cầu này lên đến hàng chục tỷ đồng, nhằm đem lại sự tiện lợi nhanh nhất cho người dân địa phương.
Được biết, trong nhiều năm qua, tỉnh Yên Bái không ngừng đầu tư lớn vào các công trình, cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ người dân địa phương và phát triển kinh tế. Trước đây, tại ngay khu vực TP Yên Bái luồng giao thông bị ngăn cách bởi sông Hồng. Sau đó, chính quyền địa phương đã xây dựng xong 2 cầu là Văn Phú và Yên Bái.
Năm 2018, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái, ngành giao thông Yên Bái đã đầu tư và tiếp tục đưa 2 cây cầu khác là cầu Tuần Quán và cầu Bách Lẫm vào sử dụng. Hai cây cầu này được đánh giá là hiện đại và thẩm mỹ nhất vùng Tây Bắc. Việc đưa 2 cây cầu này vào sử dụng đã giúp cho người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định bổ sung tuyến nối thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Giám đốc Sở GTVT Yên Bái cho biết, dự án này sẽ do Bộ GTVT đầu tư. Sau khi tuyến đường được hoàn thành sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, rút ngắn khoảng cách từ Nghĩa Lộ về Hà Nội.
Theo báo cáo về tiến độ các dự án đầu tư gần đây xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Yên Bái, tổng số vốn đầu tư vào các dự án đường nối, đường tránh, cầu nối thị trấn Trấn Yên qua bên kia sông Hồng… lên tới khoảng 4800 tỷ đồng. Hầu hết các dự án này đang được triển khai để hoàn thành kịp tiến độ.
PVNgày 28/11, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) sẽ diễn ra Lễ tôn vinh “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024.