Bệnh lý tim mạch và các biện pháp phòng ngừa

Địa phương
05:39 PM 13/06/2025

Tim mạch là bệnh lý xuất hiện âm thầm nhưng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng. Trong những năm trở lại đây, tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch ngày một tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, trung bình cứ 4 người lớn ở Việt Nam, có ít nhất 1-2 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Không phải ngẫu nhiên mà trái tim được ví von như "chìa khóa" vận hành toàn bộ cơ thể con người. Là bộ phận "bận rộn" hàng đầu, trái tim hoạt động liên tục không ngơi nghỉ để bơm máu và các dưỡng chất đến não, cùng toàn bộ cơ thể. Trái tim vô cùng quý giá, ai cũng hiểu điều này, nhưng làm thế nào để ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch, gìn giữ cho chiếc "chìa khóa" kì diệu của cơ thể vận hành trơn tru và khỏe mạnh thì không phải ai cũng biết.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Đáng lưu ý, trong các bệnh lý tim mạch, nhồi máu cơ tim là bệnh nguy hiểm nhất, tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim chiếm tới 73%. Trên thế giới mỗi năm có tới 7 triệu người tử vong vì nhồi máu cơ tim. Tại Việt Nam, theo số liệu của Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) cho thấy, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% trường hợp tử vong, gấp 20 lần số ca tử vong do ung thư và gấp 10 lần ca tử vong vì tai nạn giao thông.

Bệnh lý tim mạch và các biện pháp phòng ngừa- Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ can thiệp Tim mạch cho bệnh nhân

Đây là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm vì có thể gây tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra đột ngột, ngay cả trong lúc người bệnh đang ngủ, chơi hay làm việc.

Điều các chuyên gia lo ngại là bệnh tim mạch đang bị trẻ hóa. Trước đây, bệnh mạch vành, động mạch não, bệnh động mạch ngoại biên... thường gặp ở người cao tuổi, nhưng hiện nay có ở bất kỳ lứa tuổi nào. Rất nhiều bệnh nhân trẻ ở độ tuổi 30 - 35 cũng mắc các bệnh Tim mạch và nhiều người đã tử vong do nhồi máu cơ tim. Đây thực sự là mối lo ngại đối với sức khỏe của cộng đồng.

Quả thật tim mạch thực sự là mối lo ngại của sức khỏe cộng đồng. Những con số đó làm chúng ta phải suy nghĩ 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch mỗi năm ở Việt Nam - một con số rất đáng báo động.

Theo BSCKII Trần Chí Dũng - Phó Trưởng khoa Tim mạch và Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ phân tích tầm quan trọng của tim - mạch đối với sức khỏe con người như sau: chúng ta đã biết hệ thống tim mạch đóng vai trò rất quan trọng trong cơ thể, tất cả các cơ quan trong cơ thể sống được phải có lưu lượng máu đến nuôi, lưu lượng máu này nhờ quả tim co bóp qua hệ thống động mạch và tĩnh mạch dẫn qua các cơ quan máu để nuôi. Mỗi 1 phút tim bóp và bơm khoảng 5,6 lít để nuôi tất cả các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, nếu trường hợp hệ thống tim mạch bị tổn thương thì dẫn đến tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể và dẫn đến tình trang nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Bác sĩ Dũng: bệnh Tim mạch gồm có 2 nhóm: Nhóm thứ nhất, là nhóm bệnh Tim như: thiếu máu cơ tim, đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim.

Nhóm thứ 2, là nhóm bệnh về mạch máu như: Hở van tim, rối loạn nhịp tim nhanh và chậm, bệnh suy tim bẩm sinh, bệnh lý cơ tim do tim phì đại hay bệnh cơ tim dãn nở hay là bệnh cơ tim do thoái hóa.

Về hệ thống mạch thì chia làm 3 nhóm bệnh: Hệ thống mạch bị tắc nghẽn gây nhồi máu - Mạch bị vỡ gây ra xuất huyết - Dị dạng động mạch và tĩnh mạch. Những bệnh lý tim mạch thường gặp trong khám bệnh hằng ngày là bệnh mạch vành như: thiếu máu cơ tim, đau thắt ngực hay nhồi máu cơ tim, bệnh lý tăng huyết áp, bệnh lý về van tim.

Bác sĩ Trần Chí Dũng cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh Tim mạch, đầu tiên phải nói đến đó là hoạt động quá tải của quả tim bao gồm các bệnh lý về van tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh cơ tim, tăng huyết áp, các rối loạn nhịp tim do tim bẩm sinh mắc phải. Thói quen ăn uống sinh hoạt như: hút thuốc lá, chế độ ăn uống nhiều muối, chất béo và cholesterol, ít vận động, ít hoạt động thể dục thể thao, thừa cân, béo phì hoặc do căng thẳng kéo dài... cũng làm gia tăng mắc bệnh Tim mạch.

Bên cạnh đó, một số bệnh lý khác cũng có thể gây bệnh tim mạch như: tăng huyết áp có thể dẫn đến xơ cứng và dày thành các động mạch, thu hẹp các mạch máu, tăng cholesterol máu gây hình thành các mảng xơ vữa động mạch, đái tháo đường, tuổi tác cao dẫn đến tăng nguy cơ hẹp động mạch, suy yếu hoặc phì đại động mạch, hay do yếu tố gia đình (trong gia đình đã có người mắc bệnh tim).

Bệnh lý tim mạch và các biện pháp phòng ngừa- Ảnh 2.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm trong lĩnh vực can thiệp tim mạch và can thiệp tim mạch cho hơn 7.000 bệnh nhân. Bác sĩ Trần Chí Dũng can thiệp cho nhiều bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, nhồi máu cơ tim có những tổn thương mạch vành phức tạp, ngay cả hẹp nặng những góc động mạch vành cũng đã được cứu sống như: trường hợp bệnh nhân nam 50 tuổi, bị nhồi máu cơ tim cấp thành trước, bị tắc nhánh LAD (nhánh chính) rất lớn và dài đã được can thiệp mạch vành, bệnh nhân được đặt 1 stent vào nhánh LAD mạch máu tái thông hoàn toàn. Một yếu tố đặc biệt, bệnh nhân thường xuyên sử dụng thuốc lá và có yếu tố thừa cân. Hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm và sức khỏe đang dần ổn định trở lại.

Bệnh lý tim mạch và các biện pháp phòng ngừa- Ảnh 3.

Một trường hợp nữa là cụ ông 80 tuổi, bị nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên. Ông bị hẹp nặng 2 mạch máu chính. Nhánh LAD hẹp dài lần tỏa, Calci hóa nặng, mạch máu xoắn vặn. Nhánh LCx hẹp nặng từ lỗ xuất phát. Ông được can thiệp đặt 3 stent (2 stent LAD, 1 stent LCx) mạch máu tái thông hoàn toàn.

Còn trường hợp một bệnh nhân nữ 67 tuổi với nhiều bệnh nền như: thiếu máu cơ tim cục bộ cơ tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh nhân bị hẹp nặng ngay gốc động mạch vành, mạch máu vôi hóa rất nặng, mạch máu xoắn vặn cũng được bác sĩ can thiệp đặt stent LM - LAD mạch máu tái thông tốt.

Bệnh lý tim mạch và các biện pháp phòng ngừa- Ảnh 4.

Những trường hợp được nêu trên cho thấy, phần lớn các ca tử vong do không tận dụng được "thời gian vàng" trong can thiệp điều trị. Vì vậy, điều trị có quy tắc "thời gian vàng", nghĩa là bệnh nhân càng được đưa đến bệnh viện sớm, được xử trí, điều trị sớm thì hiệu quả càng cao, chi phí càng giảm. Tùy từng loại bệnh khác nhau "thời gian vàng" khác nhau. Đối với tất cả các bệnh lý về tim mạch đều không quá 12 giờ từ khi bệnh khởi phát. Đây là thời điểm lý tưởng để có thể xử lý bảo tồn và duy trì chức năng tim.

Bác sĩ Trần Chí Dũng - Phó Trưởng khoa Tim mạch và Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ khuyến cáo người dân cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng để phòng ngừa bệnh lý tim mạch và chế độ dinh dưỡng dành cho người phục hồi sau điều trị tim mạch như:

Ăn nhiều rau, quả và các chất dinh dưỡng có trong các loại rau xanh vô cùng phong phú. Trong đó có các chất chống oxy hóa giúp tăng cường sức khỏe cho hệ tim mạch. Chúng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim nhờ khả năng chống viêm với các mạch máu, giúp loại bỏ sự tích tụ mảng bám trong lòng động mạch.

Cố gắng cắt giảm lượng chất béo này có trong các sản phẩm từ bơ, sữa, thịt… trong khẩu phần ăn hàng ngày. Đây là nguyên nhân khiến mức độ cholesterol xấu (Chất làm tăng mảng bám vào thành mạch máu) và làm giảm cholesterol tốt (Chất có khả năng giảm mảng bám vào mạch máu).

Biết rõ tình trạng sức khoẻ của mình sẽ giúp bạn khỏe mạnh hơn, hãy tới cơ sở y tế để kiểm tra lượng cholesterol, lượng đường trong máu và các dấu hiệu của bệnh tiểu đường, bệnh tăng huyết áp để biết chắc chắn về tình trạng sức khoẻ hiện tại của mình.

Khi khám bệnh, các bác sĩ sẽ hướng dẫn cách điều chỉnh chế độ ăn uống, làm việc, tập thể dục… sao cho phù hợp nhất với bạn. Những bệnh lý tim mạch thường có liên quan đến yếu tố di truyền. Vì vậy, nếu trong gia đình có người mắc bệnh thì bạn càng cần chú ý và đi kiểm tra sức khỏe sớm.

Tập thể dục có thể làm tăng cholesterol "tốt", và giảm cholesterol "xấu", không nhất thiết phải tập thể dục ở một cường độ cao, chỉ cần 30 phút đi bộ mỗi ngày cũng đã giúp điều hoà hệ tim mạch, tăng cường nhịp tim, giảm những nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Hút thuốc dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh tim mạch cao gấp 2 - 4 lần. Đồng thời, hút thuốc còn làm hẹp động mạch, tăng huyết áp khiến nhiều khả năng bị đông máu, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những cơn đau tim. Đặc biệt, nếu bạn hút thuốc, những người xung quanh cũng sẽ bị "hút thuốc thụ động". Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ những người xung quanh bạn. Những người không hút thuốc nhưng nếu thường xuyên bị tiếp xúc với khói thuốc lá cũng có nguy cơ gây ra bệnh tim.

Bệnh tim mạch đứng đầu trong danh sách nguyên nhân gây tử vong trên toàn thế giới, vượt qua cả bệnh ung thư, kể cả ở các quốc gia đang phát triển hay đã phát triển. Người trẻ cho rằng họ không có nguy cơ mắc bệnh nên thường chủ quan và không có biện pháp phòng ngừa hợp lý. Đó là gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình cũng như toàn xã hội. Ai cũng có thể mắc bệnh tim mạch, số lượng người mắc và tử vong tăng, cùng với đó là gánh nặng bệnh tật cũng như chi phí gia tăng… nếu chúng ta không chủ động phòng ngừa.

Văn Dương
Ý kiến của bạn
Bình luận
Hà Nội: 126 xã, phường vận hành chính quyền địa phương hai cấp thông suốt, hiệu quả Hà Nội: 126 xã, phường vận hành chính quyền địa phương hai cấp thông suốt, hiệu quả

Sau 15 ngày đầu chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, hoạt động của 126 xã, phường tại Hà Nội đang dần ổn định, không bị gián đoạn, tiếp nhận tới gần 67.000 hồ sơ thủ tục hành chính…