FAO: Giá lương thực toàn cầu tăng nhẹ trong tháng 6
Chỉ số giá lương thực trong tháng 6 đạt 128 điểm, tăng 0,5% so với tháng 5 và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá lương thực toàn cầu tăng nhẹ trong tháng 6, được hỗ trợ bởi giá thịt, các sản phẩm sữa và dầu thực vật.
Đây là kết luận đưa ra trong báo cáo của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO) công bố ngày 4/7.
Theo báo cáo, chỉ số giá ngũ cốc và đường giảm, chúng bị lấn át bởi mức tăng của các chỉ số sản phẩm từ sữa, thịt và dầu thực vật. Nhìn chung, chỉ số giá lương thực trong tháng 6 đạt 128 điểm, cao hơn 7,0 điểm (5,8%) so với mức của tháng 6 năm 2024 nhưng vẫn thấp hơn 32,2 điểm (20,1%) so với mức đỉnh đạt được vào tháng 3 năm 2022.

Ảnh minh họa: Internet
Chỉ số giá ngũ cốc của FAO đạt trung bình 107,4 điểm vào tháng 6, giảm 1,6 điểm (1,5% so với tháng 5 và giảm 7,8 điểm (6,8%) so với giá trị của năm trước. Giá bắp tiếp tục giảm sâu tháng thứ hai liên tiếp do vụ thu hoạch bội thu và cạnh tranh xuất khẩu mạnh từ Argentina và Brazil. Giá đại mạch và cao lương cũng giảm, trong khi giá lúa mì tăng do lo ngại thời tiết ở Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Chỉ số giá dầu thực vật tăng 2,3% so với tháng 5, lên 155,7 điểm, cao hơn 18,2% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi giá dầu cọ, cải dầu và đậu nành.
Giá dầu cọ tăng gần 5% so với tháng trước do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh. Giá đậu nành tăng nhờ kỳ vọng nhu cầu từ lĩnh vực nhiên liệu sinh học tăng lên sau thông báo về chính sách hỗ trợ của Brazil và Mỹ.
Chỉ số giá đường giảm 5,2% so với tháng 5, xuống 103,7 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Điều này phản ánh triển vọng nguồn cung cải thiện tại Brazil, Ấn Độ và Thái Lan.
Trong khi đó, chỉ số giá thịt của FAO đạt trung bình 126,0 điểm vào tháng 6, tăng 2,6 điểm (2,1%) so với tháng 5 và tăng 7,9 điểm (6,7%) so với giá trị của năm trước, đánh dấu mức cao kỷ lục mới. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi giá cả tăng cao ở tất cả các loại thịt, ngoại trừ thịt gia cầm.
Giá thịt bò toàn cầu đạt đỉnh mới, phản ánh nguồn cung xuất khẩu thắt chặt hơn từ Brazil và nhu cầu mạnh mẽ từ Hoa Kỳ, tạo áp lực tăng lên giá xuất khẩu của Úc.
Giá thịt lợn tăng do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu vững chắc trong bối cảnh nguồn cung ổn định, trong khi giá thịt cừu tăng mạnh trong tháng thứ ba liên tiếp, được hỗ trợ bởi nhu cầu quốc tế ổn định và nguồn cung xuất khẩu thấp hơn từ Châu Đại Dương.
Ngược lại, giá thịt gia cầm tiếp tục giảm, chịu áp lực bởi nguồn cung trong nước dồi dào ở Brazil sau khi áp dụng các hạn chế xuất khẩu sau khi phát hiện cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) vào giữa tháng 5.
Tuy nhiên, tác động đã được bù đắp một phần vào cuối tháng, khi Brazil được công nhận là nước không có dịch cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) sau 28 ngày không có đợt bùng phát mới tại các trang trại thương mại, khiến một số đối tác thương mại nới lỏng các hạn chế và thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu dần phục hồi.
FAO cũng cho biết chỉ số giá các sản phẩm sữa tăng nhẹ 0,5% so với tháng 5, lên 154,4 điểm, đánh dấu mức tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong một báo cáo khác, FAO dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm nay có thể đạt mức kỷ lục 2,925 tỷ tấn, cao hơn 0,5% so với dự báo trước đó và cao hơn 2,3% so với năm 2024. Tuy nhiên, triển vọng này có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết khô nóng tại nhiều vùng ở Bắc bán cầu.
Huyền My (t/h)
Hà Nội đang triển khai những bước đi mạnh mẽ, quyết liệt nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành lực lượng trung tâm, đóng vai trò đột phá trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.