Giá vàng sẽ biến động ra sao vào năm Ất Tỵ 2025?
Giá vàng đã trải qua một năm 2024 đầy biến động, với hàng loạt kỷ lục được thiết lập. Năm 2025, giới chuyên gia cho rằng thị trường vàng sẽ được đánh dấu bằng sự tương tác phức tạp giữa môi trường rủi ro kinh tế và địa chính trị.
Trong năm 2024, thị trường kim loại quý liên tục biến động, tạo những cơn "địa chấn" trên thị trường tài chính. Trong tháng 5, có thời điểm vàng miếng SJC vượt 92 triệu đồng một lượng và vàng nhẫn trơn leo lên mức gần 90 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng thế giới có lúc lên đến 18 triệu đồng/lượng.
Việc giá vàng tăng nóng đã khiến cho thị trường diễn ra cảnh khan hàng. Ngân hàng Nhà nước đã phải can thiệp bằng cách bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước, nhờ đó, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới được thu hẹp. Giá vàng tăng, chủ yếu đến từ sự tăng giá mạnh của giá vàng thế giới. Dữ liệu lưu trữ cho thấy vàng đã có một năm tăng trưởng rất mạnh mẽ trong năm 2024, từ 2.000 USD/ounce vào tháng 1 lên mức hiện tại là hơn 2.600 USD.
Năm 2025, dưới góc nhìn của một số chuyên gia, có nhiều yếu tố tác động lên giá vàng. Trong đó đáng chú ý là tình hình địa chính trị trên thế giới. Còn nhiều căng thẳng ở một số quốc gia Trung Đông, nên nhiều nhà đầu tư vẫn muốn “hầm trú ẩn vàng”.
Chưa kể so với các kênh đầu tư khác, vàng hiện vẫn được xem là kênh đầu tư “sáng”. Trung bình giá vàng tăng không dưới 25% trong một năm, lợi nhuận thu về cao hơn các kênh đầu tư chứng khoán, tiết kiệm… Điều này cho thấy, nhu cầu vàng trên thế giới tiếp tục tăng cao.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh, cần mở cửa thị trường vàng, bỏ quy định độc quyền nhập khẩu vàng, tăng đầu mối được quyền nhập khẩu vàng với cơ chế quản lý, kiểm soát phù hợp. Cần thành lập sàn giao dịch vàng phù hợp quy định quốc tế về tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng bộ máy quản lý sàn giao dịch hợp lý.
Các ngân hàng nên điều tiết lãi suất huy động, phát triển các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu, chứng khoán, hoặc hướng dòng tiền đầu tư vào khởi nghiệp, phát triển kinh doanh…
Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cần đẩy mạnh công tác chống buôn lậu vàng, giảm tình trạng đầu cơ, trục lợi.
Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính Ngân hàng - Đại học Nguyễn Trãi cho rằng, giá vàng trong nước luôn chịu ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, nhưng lại có những đặc thù riêng. Cụ thể đó là sự điều tiết của Nhà nước.
Chính phủ đang tiếp tục các biện pháp quản lý và bình ổn thị trường vàng, tránh để biến động giá vàng thế giới tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Các chính sách nhằm giảm thói quen tích trữ vàng của người dân sẽ được đẩy mạnh, hướng tới việc chống “vàng hóa” nền kinh tế và giải phóng nguồn lực để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Nhu cầu vàng vật chất trong nước cũng khá lớn khi người dân Việt Nam có truyền thống tích trữ vàng, đặc biệt trong các dịp lễ Tết, cưới hỏi, dẫn đến nhu cầu vàng vật chất tăng cao. Tuy nhiên, xu hướng này đang dần thay đổi khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán và tiền số trở nên phổ biến hơn.
Vì vậy, ông Huy dự đoán, năm 2025, giá vàng trong nước sẽ xảy ra 2 kịch bản. Nếu giá vàng thế giới giảm, giá vàng trong nước có thể dao động quanh 60 - 65 triệu đồng/lượng. Ngược lại, nếu giá vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước có thể vượt 75 - 80 triệu đồng/lượng, nhưng mức tăng sẽ bị giới hạn bởi sự điều tiết của Nhà nước.
Năm 2025 giá vàng sẽ ổn định hơn; giá vàng trong nước lên xuống đồng điệu với thị trường thế giới. Chênh lệch giá trong nước và thế giới sẽ được thu hẹp. Từ đó, thu hẹp giá giữa các thương hiệu, loại vàng cũng như giá bán - mua sẽ được cải thiện.
Do đó, người dân không nên vội vàng, không nên "lướt sóng" vì thị trường đã minh bạch hơn.
Huyền My (t/h)Ngay sau lễ khai mạc Hội xuân với biển người đổ về núi Bà Đen trong mùng 4 Tết, Tây Ninh được dự báo sẽ tiếp tục là điểm đến hành hương hút hàng nghìn trăm ngàn tín đồ cả nước về dự lễ vía Đức Chí Tôn của đạo Cao Đài, lễ vía Thần tài và Tết Nguyên tiêu vào mùng 8-10 tháng Giêng.