Hà Nội tập trung xử lý hơn 700 dự án chậm tiến độ
Hà Nội đề xuất biện pháp xử lý cụ thể theo từng nhóm đã phân loại, trước mắt tập trung vào 712 dự án chậm tiến độ, chậm triển khai do UBND cấp huyện đề xuất kiến nghị xử lý, thực hiện trong quý II, III/2025.
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí năm 2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: LĐTĐ
Theo đó, Kế hoạch nhằm tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đảm bảo hiệu quả trong việc thực hiện công tác phòng, chống lãng phí; thực hiện các biện pháp tăng cường về phòng, chống lãng phí, tiêu cực để khơi thông nguồn lực, tạo dòng chảy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí của UBND thành phố.
Hà Nội xác định tập trung những giải pháp căn cơ để thực hiện đối với 3 lĩnh vực: đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai và quản lý tài sản công.
Kế hoạch của Hà Nội thực hiện với 2 nhóm nhiệm vụ là nhiệm vụ thực hiện thường xuyên và nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện trong năm 2025.
Với nhiệm vụ thực hiện thường xuyên, Hà Nội tiếp tục triển khai quyết liệt và có hiệu quả Kế hoạch số 246/KH-UBND ngày 16/8/2024 của UBND thành phố và các kế hoạch của Thành ủy cũng như của Trung ương.
Đối với nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện trong năm 2025, Hà Nội chia 4 nhóm nhiệm vụ về tài chính công, đầu tư công; quản lý đất đai và các dự án có sử dụng đất; quản lý tài sản công; các nhiệm vụ khác.
Đặc biệt đối với tài chính công, đầu tư công, Hà Nội giao Sở Tài chính tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc đối với 109 dự án đầu tư công khó khăn, chậm tiến độ, trong đó đặc biệt tập trung đối với các dự án tồn đọng, dừng thi công kéo dài, thực hiện năm 2025. Rà soát, xử lý tháo gỡ thực hiện dứt điểm đối với dự án BT đang triển khai dở dang, đảm bảo chặt chẽ thủ tục, sớm kết thúc dự án thực hiện năm 2025.
Cùng với đó phải rút ngắn thời gian thực hiện đối với dự án mới phê duyệt, tránh sự dàn trải. Chỉ đầu tư mới các dự án thực sự cấp bách để ưu tiên dự án trọng điểm, tạo không gian kết nối phát triển như: Đường sắt đô thị; các cầu qua sông; đường vành đai 4; các tuyến đường vành đai, trục đường xuyên tâm, các dự án về xử lý môi trường...
Về quản lý đất đai và các dự án có sử dụng đất, UBND TP Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan cập nhật dự án có sử dụng đất chậm triển khai, thực hiện trong quý 1 và quý 2/2025; giao Sở Tài chính chủ trì đánh giá tổng thể về dự án đầu tư có sử dụng đất trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay.
Trên cơ sở đó, đề xuất biện pháp xử lý cụ thể theo từng nhóm đã phân loại, trước mắt tập trung vào 712 dự án (cùng 117 dự án bổ sung) chậm tiến độ, chậm triển khai thực hiện trong quý 2 và quý 3/2025.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tập trung triển khai, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của thành phố, thực hiện trong năm 2025.
Minh An (t/h)
Tổng thu ngân sách nhà nước quý I/2025 đã đạt khoảng 36,7% dự toán cả năm. Kết quả này có sự đóng góp của các khoản thu xuất phát từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đều có mức tăng trưởng tích cực.