Hiến tặng mô tạng, giác mạc - chung tay vun đắp những giá trị sống cao cả

Địa phương
12:29 PM 18/06/2024

UBND huyện Hải Hậu (Nam Định) vừa phối hợp cùng Hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam - Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, Hội thầy thuốc Hải Hậu tổ chức chương trình “Khám bệnh, tư vấn, phát thuốc miễn phí và truyền thông vận động đăng ký hiến tặng mô tạng, giác mạc” tại xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Đây là hoạt động ý nghĩa do Chi hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại Lễ phát động chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi" ngày 19/05/2024 vừa qua, nhằm tăng thêm số người đăng ký hiến và hiến mới tạng.

Hiến tặng mô tạng, giác mạc - chung tay vun đắp những giá trị sống cao cả- Ảnh 1.

Các đại biểu đăng ký hiến mô tạng tại lễ phát động.

Tham dự chương trình có Thầy thuốc nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên Ủy viên BCH TW Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên Trưởng Ban chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô tạng, bộ phận cơ thể Việt Nam; TS. BS Hoàng Minh Đức - Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế); Thạc sỹ, bác sỹ Phạm Văn Tác - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội thầy thuốc Hải Hậu tại Hà Nội,...

Bên cạnh đó, chương trình còn có sự tham gia của Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Sở Y tế Nam Định, UBND huyện Hải Hậu, Hội chữ thập đỏ, các vị chức sắc tôn giáo, Hội thầy thuốc Hải Hậu, cơ quan báo chí và đại diện cán bộ nhân viên, người lao động đang công tác tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức cho biết, kể từ ca hiến tặng giác mạc đầu tiên vào tháng 4 năm 2007 của cụ bà Nguyễn Thị Hoa ở Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời), cả nước đã ghi nhận 971 người hiến giác mạc từ 20 tỉnh, thành trong cả nước; trong đó tập trung chủ yếu tại tỉnh Ninh Bình (437 người hiến), Nam Định (332 người hiến). Riêng tại huyện Hải Hậu, từ năm 2014 tới nay, đã có hơn 280 người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, góp phần vào sự thành công trong việc điều trị, tìm lại ánh sáng cho nhiều người không may bị mù do các bệnh lý về giác mạc.

Phong trào hiến tặng giác mạc khi qua đời ở tỉnh Nam Định nói chung và huyện Hải Hậu nói riêng được nhân rộng và đạt được kết quả to lớn là nhờ sự ủng hộ nhiệt tình và nghĩa cử cao đẹp của những người hiến cùng người thân của họ. Ngoài ra, còn có sự đóng góp của các cấp ban ngành tổ chức chính quyền, Hội chữ thập đỏ, các cộng tác viên tình nguyện, đặc biệt là sự ủng hộ của các vị linh mục và chức sắc tôn giáo tham gia vào phong trào vận động bà con tham gia hiến tặng giác mạc.

Nhờ nguồn giác mạc hiến tặng, nhiều người đã được ghép giác mạc, trở lại cuộc sống lao động sinh hoạt bình thường. Đây là niềm hạnh phúc lớn lao, không gì sánh được của những người bị bệnh giác mạc. Theo ước tính, Việt Nam hiện có trên 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc và mỗi năm con số này lại tăng thêm 15.000 người, cách thức duy nhất của họ chính là thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng...

Dù phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đội ngũ phẫu thuật viên ngày càng đông đảo hơn nhưng do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, hàng trăm nghìn bệnh nhân đang phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi vào nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời.

Vì vậy, cần thấu hiểu vai trò quan trọng của công tác truyền thông, vận động hiến tặng thu nhận mô tạng nói chung và bảo quản giác mạc nói riêng, việc thực hiện các ca phẫu thuật ghép giác mạc đạt tiêu chuẩn quốc tế góp phần nâng cao sức khỏe người dân. Người dân cần hiểu được ý nghĩa cao cả của việc hiến tặng một phần cơ thể của mình sau khi qua đời sẽ giúp nhiều người khác có thể hồi sinh; đặc biệt là giúp người bị bệnh lý giác mạc có thể tìm lại được ánh sáng, trở lại sinh hoạt, lao động như người bình thường, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, đem lại chất lượng sống tốt hơn.

Hiến tặng mô tạng, giác mạc - chung tay vun đắp những giá trị sống cao cả- Ảnh 2.

Ban Tổ chức vinh danh những người hiến mô, tạng ngay tại lễ phát động.

Việc hiến tặng giác mạc, mô tạng là những món quà vô giá để lại cho những người còn sống, để lại cho cuộc đời giúp cho hàng nghìn người khác hồi sinh cuộc sống mới. Vì vậy, việc làm của những người hiến mô, tạng sau khi qua đời là việc làm ý nghĩa, nhân văn nhất, góp phần nhân lên tình yêu thương trong cuộc sống hôm nay, là động lực để những người sống học tập, làm theo và nhân rộng trong cộng đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam - bày tỏ mong muốn có thêm nhiều địa phương hưởng ứng, ký hiến mô, bộ phận cơ thể người như huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Đây là một hành động nhân ái góp phần mang lại sự sống mới cho những người bệnh.

Cùng chung suy nghĩ muốn được đóng góp, lan tỏa tinh thần "Mình vì mọi người, mọi người vì mình", bà Nguyễn Thị Chắt, 65 tuổi, chia sẻ: "Bản thân tôi bị mắc bệnh, phải đi bệnh viện nhiều lần và cũng từng chứng kiến nhiều bệnh nhân, trong đó có cả những cháu bé khắc khoải chờ được phép tạm và ghép giác mạc. Tôi đăng ký hiến mô tạng với mong muốn hiến bộ phận cơ thể khi qua đời, để có thể cứu những người mắc bệnh hiểm nghèo".

Hành động nhân văn của mỗi người khi tham gia hiến mô, tạng đã và đang góp phần trao thêm hàng nghìn cơ hội sống cho những người bệnh, không ngừng lan tỏa, thắp lên "ngọn lửa" của lòng nhân ái, chung tay cùng với cộng đồng vun đắp những giá trị sống cao cả, khi mỗi người biết yêu thương, sẻ chia.

Trong khuôn khổ chương trình, ngày 16/6, tại xã Hải Phúc, Hội thầy thuốc Hải Hậu tại Hà Nội đã phối hợp tổ chức chương trình "Khám bệnh, tư vấn, phát thuốc miễn phí" cho người dân huyện Hải Hậu. Qua chương trình, đoàn cán bộ, bác sỹ của Hội thầy thuốc Hải Hậu tại Hà Nội đã tư vấn cách phòng tránh, điều trị bệnh cho nhiều người dân. Nhiều trường hợp khi khám bệnh đã được các thầy thuốc của Hội phát hiện các bệnh lý, qua đó hướng dẫn người dân điều trị tại cơ sở y tế.

Sáng 19/5/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động phong trào "Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người - Cho đi là còn mãi".

Thủ tướng kêu gọi mọi người dân Việt Nam trưởng thành, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, tuổi tác, vùng miền: Hãy tình nguyện đăng ký hiến tạng trên tinh thần "Mở lòng nhân ái - Lan tỏa yêu thương - Thắp sáng niềm tin - Tiếp nối hy vọng - Gieo mầm sự sống", đó là tình yêu, nghĩa cử cao đẹp nhất vì "cho đi là còn mãi", một người có thể cứu nhiều người, phát huy sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.

Thủ tướng đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là Bộ Y tế, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Vận động hiến mô tạng Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, những người có ảnh hưởng trong xã hội ủng hộ và tăng cường công tác truyền thông, lan toả ý nghĩa cao đẹp, vận động người dân đăng ký hiến mô, tạng với tinh thần "cho đi là còn mãi".

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, phát huy những thành tựu quan trọng đạt được, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, với sự nhận thức sâu sắc, lòng nhân ái, sự sẻ chia của toàn xã hội, công tác ghép tạng và hệ thống hiến mô, tạng ở Việt Nam sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, ngày càng có nhiều người đăng ký hiến mô, tạng, mang lại niềm tin, hy vọng cho những người bệnh, tô thắm tình nghĩa đồng bào ruột thịt, truyền thống "con Lạc cháu Hồng", "nhiễu điều phủ lấy giá gương" của dân tộc.
Để đăng ký hiến mô tạng trực tiếp, người dân đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia (Bộ Y tế) để làm thủ tục theo địa chỉ: Phòng 230 - Nhà C2 - Bệnh viện Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội ) hoặc các cơ sở lấy ghép gần nhất như: Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện 198, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng 2....

Ngoài ra, người dân có thể đăng ký hiến mô tạng online: Bước 1: Truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia (vnhot.vn). Bước 2: Chọn "ĐĂNG KÝ HIẾN TẶNG" ở phía bên phải màn hình. Bước 3: Chọn hình thức đăng ký hiến, bộ phận đăng ký hiến; Điền đầy đủ các thông tin cá nhân; Tải ảnh đại diện; Nhập mã xác nhận sau đó ấn "Đăng ký".

Sau khi đăng ký thành công, hệ thống sẽ tự động gửi đơn đăng ký đã đầy đủ thông tin về địa chỉ email của người đăng ký. Người đăng ký cần in đơn đăng ký, ký tên vào đơn, chuẩn bị thêm CCCD, CMND phô tô và ảnh thẻ (không yêu cầu kích cỡ), sau đó gửi hồ sơ về địa chỉ: Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Việt Đức, số 40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Bệnh viện Chợ Rẫy theo đường bưu điện hoặc trực tiếp.

Bộ Y tế lưu ý, khi có người thân qua đời/ chết não, gia đình có nguyện vọng hiến tặng mô tạng của người đó, hãy liên hệ đến đường dây nóng của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia qua số điện thoại 0915060550.
Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn
Bình luận
VSMCamp & CSMOSummit 2024 ghi dấu mùa đại hội có nhiều nội dung nhất VSMCamp & CSMOSummit 2024 ghi dấu mùa đại hội có nhiều nội dung nhất

Đại hội Sales và Marketing toàn quốc VSMCamp và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing CSMOSummit năm 2024 đã khép lại sau hai ngày tổ chức với gần 50 bài tham luận và phiên tham luận lớn nhỏ. Sự kiện tiếp tục ghi dấu một mùa thành công khi đã thu hút gần 1000 lượt người tham dự, cùng hàng trăm tin tức được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.