Kiên Giang: Thực hiện "mục tiêu kép" trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Địa phương
10:27 AM 10/08/2021

Vừa qua, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang tổ chức họp thành viên ủy ban thường kỳ tháng 7, báo cáo tình hình và thảo luận việc thực hiện “mục tiêu kép” trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

 Theo cổng thông tin điện tử Kiên Giang: Cuộc họp thành viên ban thường vụ kỳ này do Đồng chí Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh chủ cùng lãnh đạo các sở ban ngành của tỉnh.

Kiên Giang: Thực hiện "mục tiêu kép" trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. - Ảnh 1.

UBND tỉnh Kiên Giang họp thường kỳ tháng 7/2021

 Nội dung báo cáo của UBND tỉnh chỉ ra rằng: Trong tháng 7 bên cạnh việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ và giữ an toàn sức khỏe cho nhân dân trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19… các cấp, các ngành và các địa phương đã linh hoạt chỉ đạo các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình dịch bệnh, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đều có mức tăng khá so cùng kỳ. 

 Về sản xuất nông nghiệp, vụ Hè Thu (kể cả Xuân Hè) gieo trồng vượt 0,52% kế hoạch, tăng 1.446 hecta, đến nay đã thu hoạch 30,38% diện tích gieo trồng. Riêng đối với vụ Thu Đông toàn tỉnh đã xuống giống đạt 70,57% kế hoạch, tập trung ở các huyện Giang Thành, Hòn Đất, Châu Thành, Tân Hiệp và Giồng Riềng. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng tháng 7 ước đạt 76.850 tấn, bằng 91,37% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng đạt 488.854 tấn, đạt 61,18% kế hoạch và tăng 2,29% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng ước đạt 68,8 triệu USD, tăng 3,96% so với tháng trước, tăng 26,42% so với cùng kỳ.

 Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 17,41 triệu USD, tăng 7,14% so với tháng trước và tăng 23,19% so với cùng kỳ.

 Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh gặp khó, sản lượng sản xuất giảm (bột cá, bao bì), chỉ số hàng tồn kho tăng. Thu ngân sách chưa đạt kế hoạch, một số nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn nhưng đạt rất thấp như: Thu tiền sử dụng đất, thuê đất, mặt nước, thuế bảo vệ môi trường. 

 Giải ngân đầu tư công đạt thấp so cùng kỳ, nhiều công trình trọng điểm vướng giải phóng mặt bằng chưa thể triển khai hoặc chỉ triển khai được một số hạng mục (đường 3-2 nối dài, cảng hàng khách Rạch Giá, đường ven sông Cái Lớn, đường trung tâm Bãi Trường - đoạn 3...). Tính đến ngày 22-7 tỷ lệ giải ngân đạt 1039,59 tỷ đồng, đạt 22,29% so kế hoạch; giảm 34,86% so cùng kỳ. 

 Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 7 ước đạt 8.579 tỷ đồng, giảm 4,64% so với tháng trước và giảm 4,06% so cùng kỳ. Từ ngày 14-7, tỉnh tạm dừng đón khách du lịch nên doanh thu dịch vụ du lịch giảm sâu so với tháng 6.

Kiên Giang: Thực hiện "mục tiêu kép" trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. - Ảnh 2.

Khu cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19

 Theo ông Nguyễn Thống Nhất, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, qua tình hình thực hiện kinh tế xã hội tháng 7, căn cứ các chỉ đạo của UBND tỉnh nâng cấp tình huống phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, cho thấy tình hình phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh đang diễn ra như kịch bản tăng trưởng số 2 mà UBND tỉnh đã xây dựng. Tại kịch bản này, thời gian thực hiện giãn cách xã hội dự kiến kéo dài (30 ngày) và khả năng kéo dài trong thời gian tới gây tổn thất kinh tế tỉnh khoảng 1.950 tỷ đồng giá trị GRDP. Ước tính tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm đạt 1,38% đế cả năm 2021 đạt 2,90% so với cùng kỳ. 

 Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong 5 chỉ tiêu mà UBND tỉnh giao cho ngành nông nghiệp thực hiện trong năm 2021, đến nay các chỉ tiêu cơ bản đáp ứng tiến độ kế hoạch đề ra, trong đó có 3 chỉ tiêu gồm: Nông thôn mới, nước sạch, tỷ lệ che phủ rừng cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Còn 2 chỉ tiêu về sản lượng lương thực và sản lượng thuỷ sản, theo tình hình sản xuất thực tế của các địa phương và tính toán của ngành nông nghiệp đến thời điểm hiện tại đảm bảo hoàn thành kế hoạch theo kịch bản đã đề ra.

 Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành cho rằng, để đảm bảo yêu cầu "vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì một số hoạt động sản xuất kinh doanh", các ngành, các địa phương phải chủ động rà soát, cập nhật phương án phát triển kinh tế- xã hội của ngành, của địa phương, chuẩn bị tốt các điều kiện để phục hồi sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và hết giãn cách xã hội.

 Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng với các địa phương theo dõi sát tình hình thời tiết, cảnh báo thiên tai đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản đảm bảo kế hoạch sản xuất, thời gian thu hoạch vụ mùa của từng địa phương. Đồng thời, xây dựng phương án và kết nối các kênh tiêu thụ nông sản tránh tình trạng thương lái ép giá và đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch. 

 Tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến", nhất là các khu, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu. Sở Công thương, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, sàn giao dịch điện tử, kết nối cung cầu trong và ngoài nước để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại điện tử, mua bán và thanh toán trực tuyến với các hình thức phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống nhân dân.

 Triển khai nhanh các chủ trương, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ dân về việc miễn, giảm, giãn thuế một cách kịp thời để doanh nghiệp, hộ dân vượt qua khó khăn trong sản xuất và đời sống. 

 Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, nhất là các địa phương chưa có ổ dịch, cơ bản an toàn sớm rà soát lại các dự án, giải quyết vướng mắc của các dự án đang thực hiện, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân đạt 80% theo chỉ đạo của Chính phủ. 

 Tiếp tục thực hiện tốt việc thiết lập, bố trí, hoạt động phối hợp tại các chốt liên ngành kiểm soát trong phòng, chống dịch Covid-19; quản lý chặt chẽ trong thời gian giãn cách xã hội, góp phần lưu thông hàng hóa các địa phương theo chỉ đạo; phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… Với tinh thần chung là trước khó khăn thách thức, phải cùng nhau chia sẽ, quyết tâm để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

LAI VÕ
Ý kiến của bạn
Bình luận
Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế Sức hút của những lễ hội pháo hoa quốc tế

Không đơn thuần mang đến những màn trình diễn ánh sáng ấn tượng trên nền trời, các lễ hội pháo hoa quốc tế còn là “đòn bẩy” kinh tế đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.