Kinh tế Việt Nam thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ
Theo nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng trong năm 2020. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo đạt mức 1,8% trong năm nay và sẽ tăng lên mức 6,3% trong năm 2021.
Lần đầu tiên trong gần 6 thập niên qua, tăng trưởng trong năm nay của các nền kinh tế đang phát triển trên khắp châu Á sẽ bị thu hẹp và có thể sẽ được phục hồi vào năm 2021. Báo cáo cập nhật về Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố mới đây đã nhấn mạnh điều này.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định, tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do Covid-19 đã tác động đến nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Trước mắt, triển vọng kinh tế Việt Nam có nhiều khó khăn trong năm nay và năm sau.
Theo đó, tiêu dùng nội địa được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp do thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp giảm; tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thêm nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.
Đầu tư tư nhân vẫn yếu và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, khu vực nông nghiệp gặp khó khăn kép bởi thời tiết khắc nghiệt, nhu cầu bên ngoài và nội địa đều yếu. Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ bị kìm hãm trong năm nay do xuất khẩu yếu, hạn chế đi lại và lượng cầu nội địa giảm do mất thu nhập và việc làm.
Lạm phát có thể bị đẩy lên do giá hàng hóa cơ bản tăng và thanh khoản cao vì đẩy nhanh đầu tư công. Tuy nhiên, theo dự báo của ADB, lạm phát sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm 2020, thấp hơn so với mục tiêu 4,0%.
Mặc dù trước mắt có nhiều khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và sự suy giảm trong nước xấu hơn dự kiến, tuy nhiên, Việt Nam vẫn được nhìn nhận là tăng trưởng vững vàng. “Điều này có được phần lớn là nhờ sự thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường chi tiêu công và những cải cách về môi trường kinh doanh” - ông Andrew bình luận.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định: "Phần lớn các nền kinh tế ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương có thể mong đợi con đường tăng trưởng khó khăn trong thời gian còn lại của năm 2020. Nguy cơ kinh tế do đại dịch COVID-19 vẫn rất lớn, khi làn sóng bùng phát thứ hai kéo dài hoặc các đợt bùng phát trở lại có thể thúc đẩy hơn nữa các biện pháp ngăn chặn."
Cho dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là nhiều lạc quan và có thể duy trì được triển vọng tăng trưởng ở mức độ không lớn. Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế của ADB, cho biết giữa bối cảnh đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức 1,8% trong năm 2020 và sẽ gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021.
Đặc biệt, theo đánh giá của ADB, trong trung và dài hạn, kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực. ADB dự báo, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc sang Việt Nam, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, và việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Tăng trưởng thấp sẽ kìm giữ lạm phát ở mức 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021. Ngoài ra, việc đẩy nhanh đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ bù đắp cho những điểm yếu từ đầu tư tư nhân thấp và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại đang trên đà giảm.
Trước đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, do tác động của Covid-19, ước tính GDP cả năm 2020 đạt 2% và có thể là 2,5% nếu điều kiện cho phép. Còn tăng trưởng năm 2021 ước khoảng 6,7%.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.