Cuốn sách “Nhận diện văn hóa trong không gian số” do PGS.TS. Vũ Trọng Lâm và TS. Nguyễn Việt Lâm đồng chủ biên, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành có thể được coi như một công trình mang tính chất mở đường, đặt nền móng lý luận và thực tiễn cho việc kiến tạo văn hóa trong bối cảnh mới của thời đại số.

Nhận diện văn hóa trong không gian số

Cuốn sách "Nhận diện văn hóa trong không gian số" do PGS.TS. Vũ Trọng Lâm và TS. Nguyễn Việt Lâm đồng chủ biên, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành có thể được coi như một công trình mang tính chất mở đường, đặt nền móng lý luận và thực tiễn cho việc kiến tạo văn hóa trong bối cảnh mới của thời đại số.

"Nhận diện văn hóa trong không gian số": Hành trình kiến tạo bản sắc dân tộc trong kỷ nguyên số


Trong thời đại công nghệ số không ngừng phát triển, việc xác lập vị thế văn hóa trong không gian số trở thành một vấn đề cấp bách và mang tầm chiến lược lâu dài đối với mọi quốc gia. Tại Việt Nam, nơi quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, việc nhận diện, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong môi trường số không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm của từng cá nhân trong xã hội.

Ngay từ lời giới thiệu, cuốn sách đã thể hiện quan điểm rõ ràng và nhất quán: Văn hóa không đơn thuần là những giá trị truyền thống hay di sản quá khứ, mà còn là yếu tố sống động, liên tục biến đổi và thích nghi với môi trường sống của con người. Trong không gian số, nơi con người ngày càng hiện diện và tương tác nhiều hơn thông qua các nền tảng công nghệ, văn hóa cần được nhận diện và tổ chức lại để không bị mờ nhạt hoặc tha hóa. Văn hóa số, theo định nghĩa của nhóm tác giả, là toàn bộ phương thức sáng tạo, lưu giữ, truyền bá và tiếp nhận các giá trị văn hóa thông qua nền tảng công nghệ kỹ thuật số; đồng thời là tập hợp những quy tắc, chuẩn mực đạo đức và pháp luật điều chỉnh hành vi con người trong môi trường số. Đây là một khái niệm mới mẻ, nhưng mang tính tất yếu và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Nhận diện văn hóa trong không gian số- Ảnh 1.

Cuốn sách gồm bốn chương lớn, mở đầu bằng việc lý giải rõ khái niệm và các đặc trưng cơ bản của văn hóa số. Những nội dung như văn hóa tương tác số, văn hóa sáng tạo nội dung số, văn hóa tiêu dùng số, hay văn hóa đạo đức số... được trình bày mạch lạc, dễ hiểu, giúp người đọc nắm bắt được tổng thể bức tranh văn hóa đang định hình lại dưới tác động của chuyển đổi số. Điểm đáng chú ý là nhóm tác giả không chỉ tập trung vào lý thuyết mà luôn đặt những vấn đề này trong bối cảnh thực tiễn của Việt Nam, tạo nên sự gắn bó giữa tư duy học thuật và yêu cầu của thực tiễn.

Bên cạnh việc định hình cơ sở lý luận, cuốn sách còn cho thấy sức hấp dẫn ở cách tiếp cận đối sánh và mở rộng tầm nhìn, liên hệ với một số quốc gia trên thế giới. Trong chương II, nhóm tác giả đi sâu nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển văn hóa số tại các quốc gia đi đầu như Liên minh châu Âu, Anh, Tây Ban Nha, và một số nước khác. Thông qua các phân tích cụ thể về nền tảng pháp lý, cơ chế hỗ trợ sáng tạo nội dung, quản lý bản quyền và bảo vệ đạo đức số, người đọc có thể thấy được cách mà các quốc gia phát triển đang kiến tạo không gian văn hóa mới gắn với công nghệ số.

Không dừng lại ở phân tích mô hình quốc tế, cuốn sách còn dành một chương riêng để luận bàn về các yếu tố tác động đến văn hóa trong không gian số như truyền thông xã hội, sự phát triển trí tuệ nhân tạo, biến đổi lối sống cá nhân và cả những hệ lụy như khủng hoảng giá trị, xâm hại quyền riêng tư, hay suy thoái đạo đức trong môi trường ảo. Những nội dung này không chỉ mang tính lý luận mà còn gắn bó chặt chẽ với các vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay, từ trào lưu thần tượng hóa trên mạng xã hội đến sự lan truyền thông tin sai lệch, ngôn ngữ lệch chuẩn và hành vi lệch chuẩn đạo đức số. Cuốn sách như một hồi chuông cảnh báo, giúp người đọc, đặc biệt là thế hệ trẻ cần ý thức một cách sâu sắc và rõ ràng hơn về trách nhiệm văn hóa của mình khi tham gia không gian số.

Chương cuối cùng là phần quan trọng và có giá trị thực tiễn cao, khi nhóm tác giả tập trung vào thực trạng phát triển văn hóa số ở Việt Nam và đề xuất hệ thống giải pháp toàn diện. Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của văn hóa trong sự phát triển dân tộc, cùng với các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước, cuốn sách khẳng định Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong xây dựng văn hóa số như số hóa các di sản văn hóa phi vật thể, phát triển kho dữ liệu văn hóa quốc gia, ứng dụng công nghệ trong giáo dục văn hóa và nghệ thuật... Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức lớn như sự thiếu đồng bộ về thể chế, kết cấu hạ tầng hạn chế, nguồn nhân lực sáng tạo số còn mỏng và yếu, và đặc biệt là khoảng cách về nhận thức văn hóa giữa các nhóm dân cư trong xã hội.

Nhận diện văn hóa trong không gian số- Ảnh 2.

Từ thực tế đó, nhóm tác giả đề xuất một loạt giải pháp thiết thực và có tính khả thi cao: Từ hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường giáo dục văn hóa số, phát triển các nền tảng số nội địa, cho đến việc khuyến khích sáng tạo nội dung số mang bản sắc Việt. Đáng chú ý là việc nhấn mạnh vai trò của công dân số, những người vừa được thụ hưởng, vừa là chủ thể sáng tạo trong không gian số, cần được đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ để phát huy hiệu quả sức mạnh văn hóa quốc gia - dân tộc trong thời đại mới.

"Nhận diện văn hóa trong không gian số" là một ấn phẩm mang đậm tính thời sự, vừa khai phá nền tảng lý luận, vừa cung cấp những phân tích thực tiễn sắc sảo và gợi mở nhiều hướng đi khả thi cho tương lai. Cuốn sách không chỉ dành cho các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, mà còn hữu ích với giáo viên, học sinh, sinh viên, người làm truyền thông và bất kỳ ai quan tâm đến tương lai văn hóa dân tộc trong thời đại số. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, việc nhận diện và phát triển văn hóa trong môi trường mới là điều kiện tiên quyết để gìn giữ bản sắc, nâng cao sức mạnh mềm quốc gia và hội nhập hiệu quả với thế giới.

Phát triển văn hóa trong không gian số tại Việt Nam trong một thế giới "phẳng"

Văn hóa là tất cả những giá trị vật thể và phi vật thể do con người sáng tạo ra; phản ánh các giá trị cốt lõi, mang tính bản sắc, phân biệt cộng đồng này với cộng đồng khác, làm cho thế giới trở nên đa dạng. Tại Việt Nam, Đảng ta luôn khẳng định "văn hóa là hồn cốt của dân tộc", là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, có vai trò điều tiết sự vận động của xã hội.

Hiện nay, dưới tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với sự phát triển của các quốc gia. Chuyển đổi số đã và đang tạo ra một môi trường văn hóa mới của con người, đó là môi trường số, môi trường trên internet, môi trường ảo, bên cạnh môi trường thực mà chúng ta đã, đang sống quen thuộc. 

Trong đó, văn hóa số được hiểu là phương thức và hoạt động văn hóa (sáng tạo, lưu giữ, truyền bá, tiếp nhận, thưởng thức...) của cá nhân và cộng đồng trên cơ sở ứng dụng các phương tiện và công nghệ kỹ thuật số; là các quy tắc ứng xử (lối sống, ứng xử, phương cách giao tiếp, làm việc...) và chuẩn mực đạo đức, pháp luật của con người trong môi trường số. 

Văn hóa số giúp mọi người tiếp cận lượng tri thức văn hóa đồ sộ của toàn nhân loại đã hình thành trong quá trình lịch sử và tiếp tục sản sinh ra những giá trị văn hóa mới trên nền tảng số. Do đó, xây dựng văn hóa số cũng như môi trường văn hóa số là vấn đề vừa có tính cấp thiết, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, cần sớm được triển khai một cách đồng bộ để góp phần định vị và củng cố sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhận diện văn hóa trong không gian số- Ảnh 3.

"Nhận diện văn hóa trong không gian số" là nguồn tư liệu hết sức hữu ích để giới nghiên cứu cũng như bạn đọc có sự so sánh, đối chiếu với Việt Nam trong quá trình hoạch định chính sách về văn hóa. Đặc biệt, các tác giả đã khéo léo đặt vấn đề phát triển văn hóa số trong mối liên hệ với tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa; với quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về văn hóa và văn hóa số, nhấn mạnh sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế.

Có thể khẳng định, trước những chuyển biến không ngừng của quá trình chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, cuốn sách sẽ đón đầu một vấn đề "nóng" trong kỷ nguyên số, để từ đó đưa ra các giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa trong không gian số ở Việt Nam, góp phần phục vụ công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, hướng đến xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

"Nhận diện văn hóa trong không gian số" - Cẩm nang định hình bản sắc văn hóa Việt trong thời đại số

Cuốn sách chuyên khảo Nhận diện văn hóa trong không gian số, do PGS.TS. Vũ Trọng Lâm và TS. Nguyễn Việt Lâm đồng chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, là công trình khoa học sâu sắc, kết tinh giữa lý luận và thực tiễn. Đây là một đề tài khá mới, chưa có nhiều nghiên cứu sâu. Các tác giả không chỉ làm rõ bản chất, đặc điểm và xu hướng vận động của văn hóa trong môi trường số, mà còn mở ra những định hướng chiến lược cho việc xây dựng không gian văn hóa số của Việt Nam, để bản sắc dân tộc luôn luôn được bảo tồn và phát huy giữa dòng chảy số hóa toàn cầu.

Văn hóa vốn là toàn bộ những giá trị vật thể và phi vật thể do con người sáng tạo ra, phản ánh các giá trị cốt lõi, mang đậm bản sắc dân tộc, góp phần phân biệt các cộng đồng khác nhau và làm nên sự đa dạng của thế giới. 

Ngày nay, dưới tác động của toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số đang làm thay đổi căn bản cách con người sống, làm việc, tương tác, đồng thời tạo ra một không gian văn hóa mới - không gian số. Đây không chỉ là môi trường công nghệ, mà còn là nơi hình thành những quy tắc ứng xử mới, lối sống mới, sáng tạo mới, giá trị mới bên cạnh việc tiếp biến và tái định nghĩa các giá trị truyền thống. Trong bối cảnh đó, xây dựng văn hóa số và môi trường văn hóa số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu cấp thiết mang tầm chiến lược, nhằm định vị và lan tỏa sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trên không gian văn hóa quốc tế.

"Nhận diện văn hóa trong không gian số" là một trong những công trình đầu tiên tại Việt Nam tiếp cận một cách có hệ thống và chuyên sâu về văn hóa trong môi trường số. Với phương pháp nghiên cứu liên ngành, các tác giả đã cung cấp những lý giải thuyết phục về khái niệm, đặc trưng, vai trò và nội dung của văn hóa số, cũng như những thách thức đặt ra trong quá trình phát triển. Cuốn sách đặc biệt đi sâu phân tích hiện trạng tại Việt Nam, trong đó nêu bật các vấn đề như: nguy cơ lệch chuẩn trong ứng xử trên mạng xã hội, sự mai một của giá trị truyền thống, và ảnh hưởng của các trào lưu văn hóa ngoại lai đến giới trẻ và cộng đồng.

Nhận diện văn hóa trong không gian số- Ảnh 4.

Một nội dung đặc sắc khác của cuốn sách là việc khảo cứu chính sách văn hóa số của nhiều quốc gia như Liên minh châu Âu, Anh, Tây Ban Nha cùng một số nước tiêu biểu khác, từ đó cung cấp những góc nhìn toàn cảnh, đa dạng, nhiều chiều và mang tính gợi mở cho Việt Nam trong quá trình hoạch định chính sách. Không dừng lại ở việc mô tả, các tác giả đã khéo léo đặt vấn đề văn hóa số trong mối liên hệ với tư tưởng Hồ Chí Minh, với đường lối văn hóa của Đảng và Nhà nước, nhấn mạnh sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, chương cuối được dành để phân tích thực trạng và triển vọng phát triển văn hóa số tại Việt Nam, đồng thời đề xuất nhiều nhóm giải pháp cụ thể, từ xây dựng thể chế, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới công tác tuyên truyền, đến việc hình thành hệ giá trị văn hóa mới trong không gian mạng. Những đề xuất này thực sự có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách, cán bộ văn hóa, giới truyền thông, giáo dục, cũng như bất kỳ ai quan tâm đến văn hóa dân tộc và đang nỗ lực tạo dựng một không gian số nhân văn, an toàn và đậm đà bản sắc Việt.

Không chỉ là một công trình nghiên cứu chuyên sâu, Nhận diện văn hóa trong không gian số còn là tài liệu có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa cốt lõi, nâng cao nhận thức xã hội và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên số hóa.

Nhận diện văn hóa trong không gian số- Ảnh 5.

 Văn Dương