Những biến động cực đoan về thời tiết, đã gây thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tác động nặng nề nhất lên ngành nông nghiệp Việt Nam đó là ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19. Đại dịch đã làm đứt gãy kết nối thương mại nông sản của hầu hết các quốc gia trên thế giới, tác động mạnh mẽ đến thị trường nông sản của Việt Nam.
Khó khăn chồng chất khó khăn, tuy nhiên trong mỗi thời điểm gian nan, ngành nông nghiệp lại tìm ra hướng thích nghi và vẫn có nhiều điểm sáng toàn diện, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng triệu hộ nông dân đã linh hoạt, năng động hơn trong mọi bối cảnh.
Tăng tốc ngay từ đầu năm, cuối năm nhanh chóng phục hồi sản xuất, ngành nông nghiệp đã tận dụng các cơ hội tạo ra giá trị kinh tế, góp phần tạo nên tăng trưởng cao, xuất khẩu đạt kỷ lục chưa từng có. Nông nghiệp vẫn khẳng định là "trụ đỡ" của nền kinh tế ngay cả trong lúc khó khăn chưa từng có tiền lệ.
Trao đổi với các cơ quan báo chí ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm nay là năm thuận lợi nhất với ngành về thời tiết so với những năm gần đây. Nhưng cũng như bao ngành khác, ngoài phải đối mặt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, ngành còn gặp khó khăn lớn nhất là đại dịch COVID-19, gây đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.
Tuy nhiên, đến cuối năm, hầu hết các chỉ tiêu ngành đều đạt được, có chỉ tiêu đạt rất cao. Các ngành hàng đều có sự tăng trưởng, góp phần đưa tăng trưởng toàn ngành dự kiến đạt 2,8%. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục chưa từng có với trên 48,6 tỷ USD.
Năm 2021, trồng trọt là lĩnh vực đóng góp vào tăng trưởng của ngành cao nhất. Chỉ tính riêng lúa tuy diện tích gieo cấy giảm nhưng năng suất đạt rất cao, sản lượng cả năm đạt trên 43,5 triệu tấn, tăng 800.000 tấn so với năm 2020. Các loại cây trồng hàng năm, rau màu, cây công nghiệp đều tăng sản lượng, giá cũng tương đối ổn định. Xuất khẩu các sản phẩm như tiêu, điều, cà phê, gạo, cao su, rau quả… đều có tăng trưởng tốt.
Với sản phẩm lâm nghiệp, để có kết quả xuất khẩu lâm sản đạt mức kỷ lục mới dự kiến 15,6 tỷ USD phải kể đến những nỗ lực của các bộ, ngành và hiệp hội, doanh nghiệp trong việc đàm phán và đạt được thỏa thuận trong cuộc điều tra theo Mục 301 của Mỹ về gỗ Việt Nam. Điều này sẽ tạo nền tảng để xuất khẩu đồ gỗ có thể sớm cán đích 20 tỷ USD mà Thủ tướng Chính phủ giao.
Với thủy sản, năm 2021 lĩnh vực này tưởng chừng không đạt mục tiêu đặt ra, bởi vùng sản xuất trọng điểm là các tỉnh, thành phía Nam - nơi phải giãn cách xã hội trong thời gian dài khiến các nhà máy có công suất và hiệu quả sản xuất đạt thấp. Nhưng khi chuyển sang tình hình mới, các doanh nghiệp đều nhanh chóng thích ứng, vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất tận dụng cơ hội nhu cầu thị trường tăng, giá tốt. Do vậy, xuất khẩu thuỷ sản trong những tháng cuối năm 2021 hồi phục mạnh mẽ, dự kiến đạt 8,9 tỷ USD.
Để đạt được kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực to lớn, bền bỉ của người dân, doanh nghiệp, phải kể đến vai trò quan trọng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong năm 2021, Bộ đã có những chỉ đạo hết sức linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt trong điều hành chuỗi sản xuất, chế biến và đặc biệt là trong tiêu thụ nông sản, giúp tháo gỡ khó khăn cho nông dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Ngay từ đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh để bảo đảm thích ứng tốt với những diễn biến phức tạp của thời tiết, cũng như thị trường trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19 vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ đã sớm thành lập hai tổ công tác đặc biệt (phía Bắc và phía Nam) để trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân, doanh nghiệp về xúc tiến đầu tư, kết nối sản xuất - tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh sản xuất, để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho cả nước.
Khi dịch bùng phát khiến hàng loạt địa phương phải thực hiện giãn cách, các chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản bị đứt gãy (các loại nông sản như: tôm, cá, lợn, gà, rau, quả.. không thể tiêu thụ, trong khi nhà máy thì thiếu nguyên liệu, các đơn hàng xuất khẩu cũng không thể đáp ứng...), Bộ đã cùng các bộ, ngành chức năng kiến nghị Chính phủ để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Tuy nhiên, khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam chính là vào thời điểm nhiều địa phương đang thu hoạch nông sản, nên đã bộc lộ nhiều yếu kém trong việc tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp trong nước. Khó khăn chồng chất khó khăn khi thị trường xuất khẩu thu hẹp, tiêu thụ trong nước chật vật, tại những nơi có sản phẩm nông nghiệp, người ta lại lao vào "giải cứu" nông sản.
Khách quan mà nói đó là do tình trạng người nông dân tự thực hiện các khâu từ nuôi trồng đến phân phối, tiêu thụ, bao tiêu còn thiếu sự đồng bộ nhất quán và không thông qua các kênh hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, Nhà nước. Do đó giá cả nhiều mặt hàng khi xuất ra thị trường các nước không cạnh tranh được và thường bị lép vế.
Thực tế, đây không phải lần đầu, việc hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm mới được kêu gọi, riêng trong năm 2021 và những năm trước đó, mỗi lần hàng nông sản gặp khó đầu ra là lại xuất hiện phong trào "giải cứu". Nguyên nhân một phần xuất phát từ phía người nông dân đã thiếu các giải pháp dự trù, nên mỗi khi phía Trung Quốc siết chặt nhập khẩu là rơi vào bế tắc, không thể tiêu thụ được và phải kêu gọi cộng đồng giúp đỡ để gỡ vốn.
Tình trạng này không chỉ làm cho nông dân điêu đứng, nhiều người bị phá sản mà còn làm cho đất nước mất đi một khối lượng sản phẩm lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nông nghiệp và cả nền kinh tế quốc gia. Nếu ai thấu hiểu được nỗi gian truân của người nông dân một nắng hai sương làm ra sản phẩm mà phải bán tống bán tháo, thậm chí không thèm thu hoạch mà "trả lại cho đất" làm phân bón ruộng thì không thể không xót xa cho sự uổng phí công sức thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của nhà nông.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, để giải bài toán này thì đòi hỏi nền nông nghiệp Việt Nam phải thực hiện liên hoàn các quá trình gồm nhiều khâu, đó là từ khâu chọn giống, sản xuất, tiêu thụ, đến khâu chế biến. Các khâu có tác động hỗ trợ với nhau mà mục đích cuối cùng là làm tăng giá trị gia tăng, chứ không chỉ đơn thuần chỉ quan tâm trên thị trường đầu ra. Bởi thị trường đầu ra là kết quả cuối cùng của tổng hợp tất cả các yếu tố.
Giải pháp căn cơ cho nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam những năm tiếp theo, đó là một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, dùng chuyển đổi số để minh bạch các dữ liệu đầu cung chuyển sang cho đầu cầu, kết nối cung - cầu về sản lượng, yêu cầu thị trường. Vì chỉ khi kết nối được cung - cầu, minh bạch, chuẩn hóa về chất lượng thông qua chứng nhận của cơ quan chức năng thì xã hội sẽ vào cuộc, kích hoạt thị trường phân phối.
Nếu làm tốt việc phát triển thị trường trong nước thì hình ảnh nông sản Việt Nam ở nước ngoài cũng được nâng cao, sản phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm để phục vụ ngay trong nước chứ không chỉ làm sạch để bán ra nước ngoài.
Theo dự báo của các chuyên gia, sau đại dịch sẽ xuất hiện việc gia tăng sự quan tâm dành cho an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng, đây là cơ hội tốt cho một quốc gia có tiềm năng phát triển nông nghiệp như Việt Nam.
Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Nghị quyết Đại hội XIII xác định tầm nhìn: "Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030 là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao".
Với tầm nhìn như vậy, chúng ta cần tiếp cận khái niệm an ninh lương thực theo hướng "An ninh lương thực, thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng". Đây là vấn đề đã được Bộ Chính trị khẳng định trong Kết luận 81-KL/TƯ, phù hợp với quá trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và giữ gìn hệ sinh thái bền vững. Trong đó, ngành cần bảo đảm khả năng và quyền tiếp cận của người dân đối với lương thực, thực phẩm an toàn, chất lượng, bảo đảm dinh dưỡng.
Gợi mở từ "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050" vừa được Chính phủ ban hành, ngành Nông nghiệp xác định yêu cầu chuyển đổi từ "tư duy sản xuất" sang "tư duy kinh tế", hướng tới những "giá trị xanh" được tạo nên từ "chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh". Song song với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp "đa giá trị".
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã ký Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu chung của chiến lược này là nhằm xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.
Cùng với đó là nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền; phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm.
Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 - 1,5%/năm.
Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%.
Cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trên 70% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 35% số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Trong bản chiến lược này, tầm nhìn đến 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và thành "nơi đáng sống", văn minh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập cư dân nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.
Vậy nhưng trên con đường phát triển phía trước, để đạt được những mục tiêu đề ra, bên cạnh sự vào cuộc tích cực, chủ động của toàn ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn cần đến sự định hướng, lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ, sự đồng hành, ủng hộ của các Bộ, ban ngành, địa phương. Để không chỉ là "trụ đỡ" của nền kinh tế khi đất nước ở vào thời điểm khó khăn, ngành nông nghiệp quyết hướng đến khát vọng vươn tầm, đủ sức trở thành "thước đo mức độ bền vững của quốc gia".
Thực hiện: Thương Huyền